Phương pháp nghiên cứu những giá trị của nền văn minh Đông phương

Phương pháp nghiên cứu những giá trị của nền văn minh Đông phương

(ĐTCK) Do tính đặc thù chưa hề có tiền lệ trong lịch sử văn minh hiện đại, nên những di sản của nền văn minh Đông phương không thể sử dụng những phương tiện kỹ thuật thông qua nhận thức trực quan để so sánh đối chiếu.

Giáo sư Lê Văn Sửu viết trong cuốn “Nguyên lý thời sinh học cổ Đông phương”: “Gần đây, có rất nhiều nhà khoa học ở đủ mọi ngành và nhiều nơi trên thế giới, với những phương tiện khoa học hiện đại có những đặc tính ưu việt như tinh vi, nhanh chóng, chính xác trong tay, họ đã và đang nghiên cứu nền tảng di sản của nền văn minh Đông phương này. Thế nhưng, sự tiếp cận thực chất của nó, đang còn là một khó khăn to lớn”.

Qua phát biểu của giáo sư Lê Văn Sửu, chúng ta cũng thấy rất rõ phương pháp nghiên cứu, tiếp cận của các nhà khoa học là sử dụng những phương tiện kỹ thuật hiện đại để kiếm chứng những giá trị của nền văn minh Đông phương. Tuy nhiên, theo người viết, đây là một phương pháp nghiên cứu sai đối với trường hợp rất đặc thù, chưa hề có tiền lệ trong lịch sử của nền văn minh hiện đại.

Bởi vì, di sản của nền văn minh Đông phương là một hệ thống lý thuyết tổng hợp và phản ánh những quy luật tương tác khách quan. Hay nói rõ hơn, di sản của nền văn minh Đông phương là hệ quả của một tư duy trừu tượng phức hợp.

Những khái niệm, thuật ngữ, cụm từ và cả hệ thống phương pháp luận của những di sản thuộc về nền văn minh này, chính là một hệ thống lý thuyết tổng hợp, nhằm giải thích toàn bộ lịch sử không gian/thời gian của vũ trụ, thiên nhiên, cuộc sống, xã hội và con người, với những quy luật tương tác với khả năng tiên tri. Nó tổng hợp những thực tại vận động khách quan, nhưng không phải mô tả một thực tế tồn tại khách quan nào đó cụ thể, mà phương tiện kỹ thuật của nền văn minh hiện đại có thể kiểm chứng.

Hay nói rõ hơn, tất cả những phương tiện hiện đại nhất của nền văn minh hiện nay không thể kiểm chứng khái niệm Âm Dương là một dạng tồn tại nào, cũng không thể chứng minh khái niệm Hỏa chỉ là lửa, Mộc chỉ là cây…, là những khái niệm mô tả Ngũ hành trong di sản văn minh Đông phương. Ở đây, người viết chưa nói đến sự nhầm lẫn những khái niệm trong hệ thống lý thuyết Âm Dương Ngũ hành.

Do tính đặc thù chưa hề có tiền lệ trong lịch sử văn minh hiện đại, nên những di sản của nền văn minh Đông phương (mà nền tảng là hệ thống lý thuyết Âm Dương Ngũ hành), trong đó có hệ thống lý thuyết ứng dụng của ngành Địa lý phong thủy Đông phương, không thể sử dụng những phương tiện kỹ thuật thông qua nhận thức trực quan để so sánh đối chiếu.

Chúng ta phải lấy tiêu chí khoa học, làm chuẩn mực để thẩm định một lý thuyết nhân danh khoa học được coi là đúng. Có rất nhiều tiêu chí khoa học có tính chuẩn mực để thẩm định một lý thuyết nhân danh khoa học được coi là đúng.

Tuy nhiên, tiêu chí căn bản nhất, được phát biểu như sau:

Một lý thuyết, hoặc một giả thuyết nhân danh khoa học được coi là đúng phải giải thích một cách hợp lý hầu hết những vấn đề liên quan đến nó, có tính hệ thống, tính nhất quán, tính hoàn chỉnh, có tính quy luật, tính khách quan và khả năng tiên tri.

Trên cơ sở những tiêu chí khoa học làm chuẩn mực thẩm định một lý thuyết nhân danh khoa học được coi là đúng - kể cả những tiêu chí ngoài tiêu chí căn bản người viết đã trình bày ở trên - chúng tôi xác định rằng, hệ thống lý thuyết Âm Dương Ngũ hành, trong đó có hệ quả ứng dụng của nó là ngành Địa lý phong thủy Đông phương, hoàn toàn thỏa mãn các tiêu chí này.

Điều này mặc nhiên đã xác định bản chất khoa học của hệ thống lý thuyết Âm Dương Ngũ hành là một hệ thống lý thuyết hoàn toàn khoa học.

Khi chúng ta đã giải quyết xong phương pháp nghiên cứu những giá trị huyền vĩ của nền văn minh Đông phương - là một trong những chủ đề đặt ra của bài viết này - từ đó xác định giá trị khoa học của cả một hệ thống tri thức thuộc về những di sản của nền văn minh Đông phương, thì vấn đề cần giải quyết tiếp theo là ngành kiến trúc xây dựng hiện đại có khả năng tích hợp với hệ thống lý thuyết của ngành Địa lý phong thủy Đông phương hay không?

(còn nữa)

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan