Nguyễn Đăng Phương, Giám đốc Công ty Green Olive, chủ Nhà hàng Giấy Bạc cho biết, nghề "food stylist" đã phát triển trên thế giới từ hơn 10 năm trước, nhưng ở Việt Nam, lĩnh vực này chỉ mới được chú ý trong khoảng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển vũ bão của ngành truyền thông quảng cáo trong nước, các DN nội địa cũng đã bắt đầu thay đổi theo hướng làm truyền thông chuyên nghiệp.
Tiềm năng "food stylist" Việt
Nếu trước đây phần lớn các DN sử dụng nhân lực "cây nhà lá vườn" cho công tác marketing, thì nay họ đã tìm đến các đại lý (agency) truyền thông tổ chức sự kiện một cách bài bản. "Food stylist" là một phần trong lĩnh vực hình ảnh truyền thông, thường thông qua agency để làm việc với các nhãn hàng.
Ngay cả các DN nước ngoài trước đây thường chọn "food stylist" ngoại thì bây giờ cũng thông qua agency truyền thông để tìm những "food stylist" Việt có chuyên môn phù hợp với mức giá cạnh tranh. Khách hàng đầu tiên của Phương là một công ty Nhật.
"May mắn là ngay từ đầu tôi đã được làm việc với đối tác nước ngoài, học hỏi được nhiều từ tác phong và lối làm việc chuyên nghiệp của họ. Thêm vào đó, để đáp ứng yêu cầu, thường là rất cao, của khách hàng, tôi đã có được cơ hội nâng cao kỹ năng, kiến thức chuyên môn", Đăng Phương cho biết.
Hiện nay, trên thị trường, tùy vào tên tuổi, hiệu quả công việc, mỗi "food stylist" sẽ có mức giá khác nhau. Thu nhập trung bình một ngày làm việc của các "food stylist" dao động từ 500 - 1.200USD. Một số người mới vào nghề thường nhận các đầu việc với thù lao khá thấp để vừa cạnh tranh, vừa học hỏi kinh nghiệm.
Theo một số agency uy tín, Đăng Phương hiện là "food stylist" có giá cao nhất trên thị trường. Anh cho biết, một "food stylist" giỏi nghề, uy tín có thể kiếm trung bình trên 1.000 USD/ngày làm việc, 3.000 USD/ngày với công việc quay TVC.
Phải có kỹ năng tổng hợp
Nguyễn Đăng Phương từng là biên tập viên của các tạp chí chuyên về ẩm thực trước khi trở thành "food stylist". Để có được những bức ảnh chất lượng, Phương đã tìm đọc rất nhiều sách báo và tài liệu nước ngoài. Anh học hỏi kỹ thuật tạo hình món ăn từ những đầu bếp, học kỹ thuật chụp ảnh, phối màu, đánh sáng từ những nhiếp ảnh gia để tạo hiệu ứng cao nhất cho sản phẩm.
Theo Đăng Phương, ngoài tạo ra hình ảnh thực phẩm, món ăn lôi cuốn, bắt mắt, người "food stylist" giỏi còn phải tạo ra trào lưu về phong cách ăn uống. Và để làm ra một món ăn trông ngon đến mức người nhìn thấy muốn ăn ngay lập tức dù chưa được nếm hoặc ngửi thấy mùi vị thơm ngon của nó, người "food stylist" cần phải có kiến thức về thực phẩm, hiểu biết về kỹ thuật chế biến thực phẩm, nghệ thuật sắp đặt, màu sắc cùng với con mắt thẩm mỹ bên cạnh hiểu biết chung về nghệ thuật nhiếp ảnh, điện ảnh.
Cần biết màu sắc phải ở mức độ nào thì hình chụp thực phẩm sẽ cho cảm giác tươi mới; chất liệu nào dùng để giữ những hạt nước li ti bám trên thành ly cà phê kem trong suốt thời gian chụp hình, mang lại cảm giác mát lạnh; hay phải kết hợp các loại thực phẩm nào để cho ra một loại nước sốt sóng sánh. Phương cho biết, mới đây, khi thực hiện hợp đồng với Pizza Hut, anh đã phải làm việc liên tục trong 9 giờ đồng hồ để tạo ra một chiếc bánh pizza mẫu.
Góp phần thay đổi nhận thức của khách hàng
Yêu cầu của nghề cao như vậy nhưng không ít khách hàng vẫn nghĩ rằng công việc của "food stylist" chỉ là sắp đặt món ăn cho duyên dáng, bắt mắt rồi chụp hình. Khó khăn lớn nhất là làm việc với người phụ trách marketing của DN không hiểu về sản phẩm, không có khả năng diễn đạt yêu cầu đặt ra cho "food stylist". Trong những trường hợp như thế, "food stylist" thường phải kiên nhẫn trong việc thay đổi nhận thức của khách hàng, vì không phải khách hàng nào cũng luôn cầu thị.
Khi Phương ký hợp đồng với một thương hiệu mì ăn liền lớn của Việt Nam, đại diện nhãn hàng cho rằng tô mì chỉ hấp dẫn khi đầy ắp thức ăn, rau củ. Và thực tế lúc đó trên thị trường hình ảnh quảng cáo của nhãn hàng mì ăn liền nào cũng vậy. Để thuyết phục khách hàng, Phương đã chuẩn bị hai tô mì mẫu.
Tô ít nguyên phụ liệu trông thanh hơn, sức hấp dẫn tự nhiên của sợi mì trong nước sóng sánh, gia vị cũng nổi bật hơn. Sau đó anh chỉ ra sự khác biệt giữa một tô mì lấy tôm thịt, rau củ quả làm điểm nhấn và một tô mì chọn sợi mì, nước dùng làm yếu tố chính, chỉ ra xu hướng mới trong khẩu vị của người tiêu dùng thành thị là ngán ngại thực phẩm đóng gói cung cấp nhiều năng lượng.
Và khách hàng đã chấp nhận ý kiến của anh. Thành công đầu tiên này đã góp phần vào việc tạo ra một xu hướng mới trong việc tạo hình ảnh quảng cáo mì ăn liền. Trong 10 năm làm nghề, Đăng Phương đã phải giải quyết khá nhiều bất đồng như trên và tự hào là thành công nhiều hơn thất bại.
Năm 2008, Nguyễn Đăng Phương cùng bạn mở Nhà hàng nướng Giấy Bạc có phong cách khác biệt và là một trong những địa điểm ăn uống được giới trẻ tìm kiếm nhiều trên các trang dịch vụ. Hiện anh đang xây dựng khu nghỉ dưỡng có diện tích 10.000m2 tại Củ Chi, tự cung tự cấp thực phẩm sạch, dự kiến sẽ khánh thành trong năm 2017.