Phúc thẩm vụ chiếm đoạt 433 tỷ đồng: Nguyễn Thị Hà Thành thoát án chung thân

0:00 / 0:00
0:00
Tòa cấp phúc thẩm đã xem xét các nội dung kháng cáo và ghi nhận việc tích cực khắc phục hậu quả, do đó quyết định giảm án cho bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành từ chung thân xuống còn 20 năm tù.

Sau 2 ngày xét xử và nghị án, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã quyết định tuyên án đối với 13 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành lừa đảo chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng và một số cá nhân.

Theo đó, Hội đồng xét xử ghi nhận việc bị cáo Hà Thành tích cực đề nghị xử lý 26% cổ phần của mình tại Công ty cổ phần Đầu tư MHD (tương đương khoảng 75 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả, do đó đã quyết định giảm án cho “siêu lừa” từ chung thân xuống còn 20 năm tù.

Cùng với đó, tòa phúc thẩm cũng chấp nhận kháng cáo của tất cả các bị cáo còn lại, tuyên giảm mức án cho mỗi người từ 9 tháng đến 3 năm tù.

Riêng bị cáo Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Jeongho Landmark, dù không kháng cáo nhưng cũng được ghi nhận việc tích cực phối hợp để khắc phục hậu quả tối đa cho vụ án này, do đó tòa phúc thẩm tuyên giảm cho bị cáo 2 năm tù, từ 18 năm xuống còn 16 năm.

Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (đứng ở bục khai báo) được tòa phúc thẩm giảm án từ chung thân xuống còn 20 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (đứng ở bục khai báo) được tòa phúc thẩm giảm án từ chung thân xuống còn 20 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, tòa phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của vợ chồng ông Đặng Nghĩa T., bà Tạ Thu T., tuyên buộc Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) và Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) phải hủy bỏ phong tỏa, trả lại 4 sổ tiết kiệm đứng tên bà T., với tổng số tiền là 70 tỷ đồng, trong đó tại NCB là 30 tỷ đồng và PVcomBank là 40 tỷ đồng.

Theo Hội đồng xét xử, trong tổng số tiền 122 tỷ đồng hai vợ chồng này cho Nguyễn Thị Hà Thành vay thông qua hình thức đồng sở hữu, có một số sổ đứng tên bà T., được thực hiện đúng quy định pháp lý; hơn nữa bà T. cũng không liên quan tới Hà Thành và các cán bộ ngân hàng có sai phạm.

Hội đồng xét xử nhận định, sau khi gửi tiền và nhận sổ tiết kiệm, bà T. đưa sổ cho chồng giữ, không biết chồng sử dụng, quản lý thế nào, cũng không biết việc chồng đưa sổ tiết kiệm cho Hà Thành.

Cùng với đó, bà T. cũng không có thỏa thuận với Hà Thành hay bất cứ công ty nào dùng sổ tiết kiệm của mình để vay tiền, cũng không đưa sổ tiết kiệm cho Thành và được ngân hàng trả lãi hằng tháng.

Số tiền còn lại hơn 50 tỷ đồng trong các sổ tiết kiệm đứng tên ông Đặng Nghĩa T., được tòa phúc thẩm xác định có liên quan tới việc vay mượn, trả lãi ngoài đối với Hà Thành, do đó không chấp nhận kháng cáo đòi lại số tiền trên của ông T.

Ngoài ra, việc thỏa thuận để nhà đầu tư mới mua lại 26% cổ phần của Nguyễn Thị Hà Thành đứng tên Nguyễn Thanh Tùng tại Công ty MHD đã không được các bên thống nhất, do đó không được tòa phúc thẩm ghi nhận.

Hiện số cổ phần trên và các hồ sơ liên quan đang được Ngân hàng Việt Á phong tỏa để đảm bảo thế chấp cho một số khoản vay của Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Thị Hà Thành tại ngân hàng này.

Trước đó, bản án sơ thẩm xác định, do kinh doanh thua lỗ, Nguyễn Thị Hà Thành (sinh năm 1984, ở Hà Nội) đã nợ khoảng 80 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 đến 2018, Thành dùng chiêu vay tiền với lãi suất cao, lấy của người sau trả cho người trước để tạo lòng tin và cũng trở thành khách VIP của các ngân hàng.

Cùng với đó, Hà Thành vay tiền của ông Đặng Nghĩa T. bằng hình thức yêu cầu người này gửi tiền vào Ngân hàng NCB qua 4 sổ tiết kiệm, Thành giữ các sổ này. Sau đó, bị cáo dùng sổ tiết kiệm và giả chữ ký của vợ chồng ông T. trong các hồ sơ để vay Ngân hàng NCB 47,5 tỷ đồng rồi chiếm đoạt.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành vay của ông Đặng Nghĩa T. số tiền 52 tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông này gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng PVcomBank. Thành dùng các sổ tiết kiệm này vay gần 50 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng Việt Á, Hà Thành cũng nhờ ông T. và một số cá nhân khác gửi tiền. Cán bộ ngân hàng đã giúp bị cáo lập hợp đồng tiền gửi trái quy định đưa cho những người này làm tin, sau đó lập sổ tiết kiệm đưa cho bị cáo Thành.

Tòa sơ thẩm xác định, Nguyễn Thị Hà Thành đã cấu kết với 17 người là cựu cán bộ, nhân viên các ngân hàng NCB, Việt Á và PVcomBank để lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu giữa mình với những người gửi, hứa hẹn trả lãi ngoài cao. Sau đó, Thành giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu để cầm cố sổ tiết kiệm và được các ngân hàng giải ngân.

Các cựu cán bộ của 3 ngân hàng trên đã giúp Nguyễn Thị Hà Thành hợp thức hồ sơ, soạn hợp đồng tiền gửi trái quy định; bỏ qua nhiều bước xác minh như không gặp trực tiếp chủ tài sản đảm bảo, lập tờ trình cấp tín dụng dù hồ sơ giả mạo, chưa qua thẩm định..., qua đó giúp Hà Thành vay tiền bằng tài sản của người khác.

Bản án sơ thẩm quy kết, các bị cáo nguyên là nhân viên Ngân hàng PVcomBank đã tạo điều kiện cho Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt tiền; một số bị cáo là cựu nhân viên ngân hàng giúp sức, đồng phạm "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với Thành.

Tổng cộng, Nguyễn Thị Hà Thành đã gây ra 27 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 433 tỷ đồng, trong đó chiếm đoạt của Ngân hàng NCB 47,5 tỷ đồng, PVcomBank 49,4 tỷ đồng, Việt Á hơn 273 tỷ đồng và của 4 cá nhân khác 63 tỷ đồng.

Tin bài liên quan