Luật sư Tâm còn đề nghị triệu tập ông Ninh Văn Quỳnh, người đã nhận 20 tỷ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn.
Theo luật sư Tâm, trước phiên tòa phúc thẩm, luật sư có văn bản hỏi CIEM về tính chất tài sản góp vốn qua việc mua cổ phần và CIEM đã có văn bản trả lời. Luật sư đề nghị triệu tập đại diện CIEM để làm rõ các nội dung liên quan.
Luật sư Trần Vũ Hải đề nghị triệu tập bà Võ Thị Thanh Xuân, vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Luật sư Hải cho biết, đã có kiến nghị gửi Tòa án trình bày 2 tài liệu liên quan đến bồi thường vụ án PVN góp vốn 800 tỷ đồng. Trong đó, có tài liệu có nội dung hỏi Bộ Tài chính số tiền hơn 1.500 tỷ đồng chi lãi ngoài PVN có bị thiệt hại không. Bộ Tài chính có công văn trả lời, do đó Luật sư đề nghị triệu tập đại diện Bộ Tài chính để làm rõ nội dung công văn này.
Luật sư đề nghị triệu tập đại diện Kiểm toán Nhà nước. Trong năm 2016, Kiểm toán Nhà nước có 2 văn bản nội dung về vấn đề xác định tài sản và công nợ của PVN.
Luật sư Vũ Xuân Nam đề nghị triệu tập nhóm cá nhân liên quan đến việc thiết lập hồ sơ vay 500 tỷ đồng, bao gồm triệu tập Nguyễn Văn Bình, Tổng giám đốc Công ty Trung Dung và đại diện một số công ty khác có liên quan đến khoản vay 500 tỷ đồng tại Oceanbank. Luật sư Nam còn đề nghị nhóm cá nhân liên quan đến việc sử dụng số tiền 500 tỷ đồng.
Luật sư Đỗ Ngọc Quang, bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm đề cập đến ông Ninh Văn Quỳnh và cho biết ông là luật sư của ông Ninh Văn Quỳnh trong phiên tòa sơ thẩm.
Luật sư cho rằng, không cần phải triệu tập vì ông Quỳnh không có kháng cáo đối với vụ án này. Ông Quỳnh nhận 20 tỷ đồng từ Sơn, Sơn nhận từ Oceanbank vụ án này đã được đưa ra xét xử vào tháng 3/2018 trong vụ án PVN và bị tuyên phạt 18 năm tù giam. Hành vi này đã được xét xử trong vụ án khác.
Đại diện Viện Kiểm sát nhận thấy, bị cáo Danh có đơn xin xét xử vắng mặt có đủ điều kiện nên chấp nhận. Hai bị cáo Đức và Hiền có đơn vì lý do sức khỏe có xác nhận của đơn vị có thẩm quyền. Đủ điều kiện để chấp nhận.
"Bị cáo Hứa Thị Phấn phiên sơ thẩm đã xin vắng mặt. Nhận được bản án sơ thẩm đã có kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nhưng không có mặt tại phiên tòa phúc thẩm. Trước phiên tòa phúc thẩm, chúng tôi đã hỏi kỹ nhưng bị cáo không đủ điều kiện sức khỏe đến phiên tòa vì nằm viện. Căn cứ nội dung kháng cáo, ý kiến luật sư, tình trạng sức khỏe có đủ điều kiện xét xử vắng mặt", đại diện Viện kiểm sát nói.
Tòa triệu tập nhiều nhân chứng nhưng khá nhiều vắng mặt không lý do. Viện Kiểm sát đề nghị, trong quá trình xét xử, nếu thấy cần áp dụng tất cả các biện pháp cho phép kể cả dẫn giải để buộc phải có mặt tại tòa giái quyết các kháng cáo.
“Hiện tại, Viện kiểm sát thấy đủ điều kiện xét xử phiên tòa trên cơ sở các quy định pháp luật” – đại diện Viện Kiểm sát nói.
Hội đồng xét xử đồng tình với quan điểm của Viện Kiểm sát. Phiên tòa dự kiến kéo dài 10 – 12 ngày, thời gian phiên tòa phụ thuộc vào các luật sư. Quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết, HĐXX sẽ triệu tập, đảm bảo có mặt kể cả áp dụng biện pháp dẫn giải.