Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (đứng) tại phiên tòa (Ảnh chụp qua màn hình)

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (đứng) tại phiên tòa (Ảnh chụp qua màn hình)

Phúc thẩm vụ án “bầu” Kiên: Thẩm vấn hành vi kinh doanh vàng trái phép

(ĐTCK) Sáng 1/12 (thứ Hai), Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tiếp tục làm việc.

Hội đồng xét xử đã hỏi về sức khỏe bị án Trần Ngọc Thanh. Chiều 28/12, khi Hội đồng xét xử đang tóm tắt bản án sơ thẩm, bị án Trần Ngọc Thanh đã ngất xỉu và được cán bộ y tế đưa đi cấp cứu. Đến nay, bị án này đang nằm viện tại Bệnh viện Bạch Mai. Hội đồng xét xử sẽ công bố các lời khai của bị án khi cần thiết.

Trong phiên xét xử sáng nay, Công ty Thiên Nam khẳng định, vẫn giữ nguyên kháng cáo cho rằng, Công ty không kinh doanh trái phép.

Trước đó, tòa cấp sơ thẩm xác định, Công ty Thiên Nam không được cấp phép kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái nhưng vẫn ký hợp đồng để thay thế VietBank thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư kinh doanh vàng tài khoản với ACB.

Người đại diện Công ty Thiên Nam thực hiện giao dịch vàng tài khoản là Nguyễn Đức Kiên thông qua hệ thống ghi âm tại Ngân hàng ACB. Từ ngày 30/11/2009 đế 30/7/2010, Công ty Thiên Nam đã giao dịch tổng cộng hơn 462.000 ounce vàng, tương đương 9.796 tỷ đồng. Công ty Thiên Nam còn kinh doanh trạng thái vàng trong nước với ACB.

Tại cấp phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã hỏi những người có liên quan để làm rõ về hành vi kinh doanh giá vàng của bị cáo Kiên tại Công ty Thiên Nam. Nguyễn Đức Kiên tiếp tục bị cách ly.

Theo lời khai của những người bị thẩm vấn, HĐQT Công ty Thiên Nam đã ủy quyền cho ông Kiên thực hiện giao dịch qua hệ thống điện thoại ghi âm tại ngân hàng ACB.

Ông Nguyễn Đức Thái Hân, Phó tổng giám đốc ACB khai, việc giao dịch đặt lệnh qua điện thoại, Nguyễn Đức Kiên là người đặt lệnh. Ngoài ông Kiên ra không còn có ai khác làm việc này. Giao dịch diễn ra ngoài giờ làm việc Việt Nam. Nhân viên công ty thông báo khách hàng thông tin nhận lệnh, sau đó đại diện công ty ký xác nhận giao dịch.

Tòa hỏi bị cáo Lý Xuân Hải, cựu CEO của Ngân hàng ACB, người đại diện ACB ký Hợp đồng số 17 với Công ty Thiên Nam để làm rõ thêm về giao dịch này. Bị cáo Hải khai, ACB không mở tài khoản giao dịch vàng ở nước ngoài cho Công ty Thiên Nam, mà dùng tài khoản trạng thái vàng ở nước ngoài cho chính mình để giao dịch.

Khi giao dịch vàng trên tài khoản ở nước ngoài, ACB tạo ra trạng thái vàng, ACB có thể giữ trạng thái đó hoặc mang bán cho ai đó trong nước. Ví dụ khi khách hàng đặt mua 1 ounce vàng, nếu ACB không muốn chịu rủi ro thì có thể đặt lệnh mua. Nếu ACB dám chịu rủi ro thì có thể không đặt mua. Đó là kinh doanh trên giá vàng, chứ không phải kinh doanh vàng. Đó là sản phẩm phái sinh trên giá vàng, chứ không phải bản thân hoạt động kinh doanh vàng.

Cựu CEO này đã lấy một ví dụ để làm rõ việc kinh doanh giá vàng không phải là kinh doanh vàng.

“Giống như cá độ bóng đá, phát sinh từ bóng đá, không có bóng đá thì không có cá độ, nhưng cá độ không phải là bóng đá. Lô đề phát sinh từ xổ số, nhưng nó không phải là xổ số”, Lý Xuân Hải trình bày.

Nội dung thẩm vấn bị cáo Lý Xuân Hải cũng làm rõ, khi Thiên Nam đặt lệnh mua, ACB sẽ đặt mua vàng trên tài khoản ở nước ngoài cho Thiên Nam. Giá mà Thiên Nam phải trả sẽ là giá mà ACB mua cùng với một khoản phí được thỏa thuận trước.

Hội đồng xét xử: Như vậy ACB có phải là cầu nối giữa Thiên Nam với nước ngoài không vì có phí?

Bị cáo Lý Xuân Hải: Nếu ACB mua vàng về rồi bán lại thì có thể khách hàng chê không mua. Do đó, ACB thỏa thuận, cứ 1 ounce mua về thì cộng thêm một khoản chẳng hạn là 1 USD.

Hội đồng xét xử: Như vậy là ACB ở giữa ăn trung gian, hưởng chênh lệch?

Bị cáo Lý Xuân Hải: ACB mua ở nước ngoài là mua đứt bán đoạn…

Hội đồng xét xử: Có thu phí tức là ACB mua cho Thiên Nam bằng đúng giá ở nước ngoài thu thêm một khoản chênh lệch. Thiên Nam đặt lệnh mua, cứ mua được thì được phí.

Tòa hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước về quy định điều chỉnh hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản. Ông Đặng Văn Thảo, Phó Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài thời điểm 2009 phải tuân thủ theo Quyết định 03/2006. Ngoài ra, Nghị định 174 điều chỉnh kinh doanh vàng vật chất. Quyết định 03 có nêu định nghĩa kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài.

Ông Đào Xuân Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Kinh doanh ngoại hối Ngân hàng Nhà nước giải thích rõ hơn quy định về trạng thái vàng, khi được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, ACB mở tài khoản ở nước ngoài, khi giao dịch thì phát sinh trạng thái. Quy định trạng thái vàng là để hạn chế, ví dụ như mua hoặc bán không quá 200 kg vàng. Trạng thái vàng của doanh nghiệp kinh doanh vàng thì đó là giới hạn để doanh nghiệp được mở trạng thái.

Về giá vàng quy đổi trạng thái, ông Tuấn giải thích, doanh nghiệp được cấp phép giới hạn trạng thái vàng tính theo trên phần trăm vốn điều lệ, vốn điều lệ bằng VND, kinh doanh vàng tài khoản thì bằng USD, do đó phải quy đổi ra VND. Ví dụ, doanh nghiệp mua 200 kg vàng thì phải quy đổi ra cùng tiền đồng.

Khi Hội đồng xét xử đề nghị đại diện Ngân hàng Nhà nước làm rõ Hợp đồng 17 bị điều chỉnh bằng văn bản nào, ông Đặng Văn Thảo cho rằng, đây là hợp đồng dân sự, điều chỉnh hoạt động kinh doanh vàng thì chỉ có 2 văn bản và Quyết định 03 và Nghị định 174.

Tin bài liên quan