Bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị dẫn giải ra xe

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị dẫn giải ra xe

Phúc thẩm “bầu” Kiên: 4 bị cáo nhận tội, xin giảm án

(ĐTCK) Trong số 8 bị cáo của vụ án, có 4 bị cáo nhận tội, xin giảm nhẹ hình phạt, 2 bị cáo không chống án, chỉ còn Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải kêu oan, khẳng định mình không phạm tội.

Sau khi tóm tắt xong bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã công bố nội dung kháng cáo của các bị cáo.

Bị cáo Lê Vũ Kỳ xin giảm nhẹ hình phạt, là người phụ trách công nghệ thông tin, bị cáo đã ký vào biên bản nói trên là theo ý Chủ tịch HĐQT và các thành viên khác. Bị cáo trình bày, có bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch, lại có mẹ già nên đề nghị giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Trịnh Kim Quang cũng kháng cáo không phạm tội. Bị cáo cho rằng, ACB không có thiệt hại số tiền 718 tỷ đồng, việc ủy thác đem lại thu nhập hơn 1.100 tỷ đồng cho ACB. Việc cấp hạn mức đầu tư cổ phiếu là đúng pháp luật, không nói là mua cổ phiếu ACB, việc mua do ACBS thực hiện HĐQT không biết.

Bị cáo Phạm Trung Cang kêu oan, cho rằng, ngay sau khi HĐQT ACB có chủ trương ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền, thì bị cáo đã chuyển sang Eximbank. Nhưng đến ngày 25/11/2014, bị cáo có đơn xin nhận tội và xin giảm nhẹ hình phạt, xin cho hưởng án treo.

Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn trình bày, chỉ dự cuộc họp HĐQT với tư cách khách mời, không có ý kiến gì về chủ trương ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền. Ở phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị cho bị cáo hưởng án treo, nhưng Tòa cấp sơ thẩm xử phạt tù giam là không thỏa đáng.

Tuy nhiên, khi chủ tọa phiên tòa đã hỏi lại và làm rõ các bị cáo có thay đổi, bổ sung nội dung kháng cáo hay không, thì có 3 bị cáo  thay đổi nội dung kháng cáo, nhận tội và xin giảm nhẹ hình phạt, gồm các bị cáo Huỳnh Quang Tuấn, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang.

Như vậy, cùng với bị cáo Lê Vũ Kỳ, có 4 bị cáo nhận tội, xin giảm nhẹ hình phạt. Hai bị cáo không chống án là Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến (tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản). Có 2 bị cáo kêu oan là Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải.

Ngày 10/6, Nguyễn Đức Kiên kháng cáo cho rằng, không phạm 4 tội không vi phạm Điều 9 Luật Doanh nghiệp. Kinh doanh giá vàng là sản phẩm phái sinh, do đó bị cáo không phạm tội kinh doanh trái phép.

Bị cáo kháng cáo cho rằng, không phạm tội Trốn thuế. Sau khi ký hợp đồng ủy thác với bà Nguyễn Thúy Hương, thì Công ty B&B ký hợp đồng ủy thác với ACB là đúng pháp luật, không phạm tội trốn thuế.

Nguyễn Đức Kiên không chấp nhận kết luận giám định về thuế với lý do không đủ dữ liệu giám định. Công ty B&B là doanh nghiệp vừa và nhỏ, được giảm thuế, nhưng khi quyết toán thuế thì chưa được trừ, chưa trừ khoản trích lập dự phòng.

Bị cáo khẳng định, không có ý thức lừa đảo. Sau khi Thép Hòa Phát chuyển tiền, bị cáo đã làm nhiều việc để giải chấp cổ phiếu. Cũng không phạm tội Cố ý làm trái vì tại ACB. Bị cáo không phải là thành viên Thường trực HĐQT, không ký vào biên bản họp HĐQT ngày 22/3/2010 thông qua chủ trương ủy thác gửi tiền và sau đó bị chiếm đoạt trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.

Việc mua cổ phiếu ACB là do Công ty ACI, ACI Hà Nội thực hiện không liên quan đến Công ty ACBS.

Ngày 12/6/2014, bị cáo Lý Xuân Hải có đơn kháng cáo kêu oan, cho rằng mình không phạm tội Cố ý làm trái. Số tiền 718 tỷ đồng đang gửi đang ở Vietinbank, nên ACB không có thiệt hại. Bị cáo không biết việc mua bán cổ phiếu ACB, mà chỉ ký vào biên bản với nội dung cấp hạn mức 700 tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu. Mua ACB là do ACBS tự ý thực hiện, nhưng cũng không gây thiệt hại gì.

Tin bài liên quan