Tháng 11/2016, công ty này nộp hồ sơ xin giảm vốn điều lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai đã phải có văn bản xin ý kiến Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về việc hướng dẫn xử lý.
Theo Văn bản số 3655/SKHĐT-ĐKKD của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai gửi Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, năm 2008, Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với số vốn điều lệ là 1.750 tỷ đồng, trong đó số vốn đã góp là 1.557 tỷ đồng.
Theo đó, các cổ đông sáng lập gồm: Tổng công ty Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Việt Nam góp 857,5 tỷ đồng (49%), Tổng công ty Sông Đà (sau này chuyển đổi thành Tập đoàn Sông Đà) góp 525 tỷ đồng (30%); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) góp 175 tỷ đồng (10%).
Đến tháng 10/2011, doanh nghiệp này đăng ký thay đổi với nội dung là cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần. Theo đó, Tập đoàn Sông Đà bán toàn bộ số vốn góp 525 tỷ đồng cho Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng. BIDV bán toàn bộ cổ phần cho Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV.
Đến tháng 11/2011, một lần nữa, các cổ đông của Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chuyển nhượng cổ phần. Cổ đông mới, Công ty cổ phần Xây dựng thương mại tổng hợp Thái Ninh mua lại một phần cổ phần từ Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng và mua lại toàn bộ cổ phần từ Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV.
Cho đến tháng 11/2016, Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nộp hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật và giảm vốn điều lệ. Nội dung thay đổi người đại diện không có gì phức tạp. Riêng nội dung giảm vốn điều lệ cho thấy, câu chuyện vốn “ảo” tại công ty này khá nghiêm trọng.
Mặc dù vốn đăng ký là 1.750 tỷ đồng, nhưng thực chất, các cổ đông sáng lập cho đến tháng 11/2016 mới chỉ góp được 307 tỷ đồng. Công ty đề nghị giảm 1.442 tỷ đồng vốn điều lệ với hình thức giảm là do các cổ đông không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua.
Luật Doanh nghiệp cho phép công ty cổ phần được giảm vốn điều lệ trong trường hợp cổ đông sáng lập không thanh toán đủ số vốn góp như đã cam kết. Theo đó, các cổ đông sáng lập phải góp đủ số vốn trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào tháng 12/2008, theo quy định, đến tháng 3/2009 các cổ đông sáng lập phải thanh toán đủ số vốn cam kết. Nhưng các cổ đông sáng lập của Công ty không những không góp đủ vốn, mà còn chuyển nhượng vốn đã đăng ký mua. Công ty đã xác nhận việc chuyển nhượng này.
Diễn biến trên khiến Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai lúng túng, không biết nội dung giảm vốn điều lệ có phù hợp với quy định pháp luật hay không nên gửi công văn hỏi ý kiến Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.
Được biết, Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là doanh nghiệp thực hiện Dự án đầu tư xây dựng, mở rộng Quốc lộ 51, đoạn Biên Hòa - Vũng Tàu. Dự án đầu tư theo hình thức BOT được Chính phủ chấp thuận các nhà đầu tư tại Văn bản số 7962/VPCP-KTN, ngày 11/9/2008, gồm: Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), Tổng công ty Sông Đà và BIDV. Các nhà đầu tư này đã thành lập Công ty để phát triển dự án.
Qua thanh tra, Thanh tra Bộ xây dựng đã phát hiện nhiều sai phạm và công bố tại Kết luận thanh tra số 379/KL-TTr. Theo đó, Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã tính toán khối lượng chưa chính xác, lập dự toán xây dựng công trình chưa đúng quy định và một số sai sót khác làm tăng giá trị dự toán số tiền 40,015 tỷ đồng. Ngoài ra, các cổ đông sáng lập đã không góp đủ số vốn, đúng thời hạn quy định và sau đó còn chuyển nhượng phức tạp.