Theo báo cáo thường niên năm 2023 vừa được Tập đoàn Masan (MSN) công bố, Phúc Long Heritage (“PLH”), sau khi trở thành công ty con của Tập đoàn Masan từ tháng 1/2022, đã thu về 1.579 tỷ đồng doanh thu, với lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) đạt 195 tỷ đồng trong năm 2022. Trong khi đó, riêng nhóm cửa hàng flagship đạt doanh thu hơn 1.100 tỷ với lợi nhuận hơn 330 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Phúc Long đã mở 44 cửa hàng flagship và nâng tổng số các điểm bán lên 132 cửa hàng vào cuối năm 2022.
Ngoài ra, thương hiệu này còn có 798 kiosk trong hệ thống WinCommerce. Tuy nhiên, Masan thừa nhận quá trình thử nghiệm mô hình kiosk không đáp ứng được kỳ vọng ban đầu nên đã quyết định đóng cửa 150 kiosk trong nửa cuối năm 2022. Tập đoàn đang điều chỉnh mô hình này trong nửa đầu năm 2023 trước khi tiếp tục mở rộng quy mô. Nếu nhìn vào cơ cấu lợi nhuận chung của Phúc Long là 195 tỷ và lợi nhuận từ chuỗi flagship là 330 tỷ thì có thể thấy lợi nhuận của chuỗi kiosk có thể là con số âm.
Trước đó vào tháng 5/2021, Masan đã chi 15 triệu USD (tương đương 340 tỷ đồng) để sở hữu 20% cổ phần của Phúc Long. Tuy nhiên chỉ sau một năm, định giá Phúc Long đã tăng gấp 6 lần và Masan phải chi thêm hơn 6.100 tỷ đồng để tăng sở hữu lên 85% cổ phần và trở thành công ty mẹ của hệ thống trà - cà phê này.
Phúc Long hiện đứng thứ 2 về doanh thu và số 1 về biên lợi nhuận xét về mô hình flagship (không bao gồm chuỗi kiosk), tuy nhiên vẫn chưa đạt được mục tiêu mở 1.000 ki-ốt như kế hoạch đề ra ban đầu. Các cửa hàng flagship của Phúc Long đã mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất, với biên lợi nhuận EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) của cửa hàng và của công ty lần lượt là 31% và 25%, mức cao nhất ngay cả khi so sánh với các công ty F&B hàng đầu thế giới.
Lãnh đạo Tập đoàn Masan lý giải biên lợi nhuận cao vượt trội là nhờ khả năng tạo doanh thu trên mỗi cửa hàng gấp 2-3 lần so với các doanh nghiệp nội địa trong cùng ngành hàng.
Masan cho biết thêm, kể từ khi mua lại, Phúc Long Heritage đã tăng gấp đôi số lượng cửa hàng flagship và đạt EBITDA 31% - mức EBITDA ở mô hình flagship trong top đầu thế giới.
Masan đặt mục tiêu trong năm nay sẽ mở mới từ 75 đến 90 cửa hàng Phúc Long và triển khai nhiều chương trình ưu đãi mới, ví dụ như tích hợp tệp khách hàng thân thiết của Phúc Long vào chương trình hội viên WinMart, đồng thời Phúc Long cũng sẽ tăng cường đổi mới thực đơn trong giai đoạn nửa cuối năm 2023.
Masan còn đặt thêm mục tiêu để "Phúc Long dự kiến trở thành thương hiệu đứng thứ 2 về số lượng cửa hàng vào quý II/2023". Chuỗi F&B này dự kiến mức doanh thu đạt từ 2.500-3.000 tỷ đồng trong năm 2023 và dự kiến mở 2.000 cửa hàng mini-mall trong năm nay. Phúc Long có tham vọng lớn hơn khi lên kế hoạch mở rộng địa bàn hoạt động sang cả các nước khác trong vòng 2-3 năm tới.