Đại dịch Covid-19 vẫn chưa biết lúc nào kết thúc, mọi thứ phía trước vẫn còn bất định. Tuy nhiên, một điều mà chúng ta biết chắc chắn sẽ xảy ra, đó là hành vi kinh doanh và tiêu dùng sẽ thay đổi vĩnh viễn hậu đại dịch. Doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ khẩn cấp của Nhà nước. Nhưng để các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả, doanh nghiệp nhận hỗ trợ cũng phải có khả năng thay đổi để phục hồi. Chính sách kinh tế cũng phải thay đổi trong môi trường mới này.
Bài 3: Cần chiến lược và quyết tâm cải cách để phục hồi kinh tế
Số liệu GDP quý III/2021 cho thấy một con số tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm GDP quý sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý (năm 2000) đến nay. Nikkei Asia cho biết, con số GDP mới cho thấy “sự chuyển đổi của quốc gia Đông Nam Á từ câu chuyện thành công trong đại dịch sang nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề”.
Với con số này và tình hình mở cửa kinh tế còn nhiều gập ghềnh ở những thành phố chủ chốt như TP.HCM, ngay cả con số dự báo về tăng trưởng GDP cả năm vừa được điều chỉnh giảm xuống 3,8% của ADB cũng có thể là quá lạc quan.
Tính ra, với tốc độ tăng trưởng bình quân 6,5% thì chúng ta coi như đã mất đi một năm tăng trưởng nếu tính cả mức tăng trưởng GDP thấp của năm ngoái.
Nói cách khác, vì dịch bệnh, chúng ta đã mất đi một năm tăng trưởng trong hai năm. Và với kinh nghiệm khôi phục kinh tế của những nước đã mở cửa lại, thì mọi việc sẽ không đơn giản là hồi phục kinh tế hình chữ V. Ngay cả ở những nước mạnh tay mở cửa kinh tế như Anh, Mỹ hay nước chống dịch chặt chẽ đến cực đoan như Trung Quốc, thì không hề có chữ V nào cả. Nền kinh tế hồi phục mạnh trong 1 - 2 quý, rồi sau đó, tốc độ hồi phục giảm dần và vẫn chưa về được giai đoạn trước dịch. Quan trọng hơn, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, thiếu nhân lực, thiếu hụt năng lượng và sự gia tăng của lạm phát đang đe dọa hồi phục kinh tế toàn cầu.
Từ đó, chúng ta cần phải nhìn lại nội tại xem cần phải cải thiện điều gì để có chính sách hồi phục kinh tế phù hợp, chứ không chỉ nhìn vào việc đóng hay mở cửa trong ngắn hạn. Phục hồi kinh tế đòi hỏi một chiến lược có tầm nhìn và phải tiếp tục thực hiện những cải cách còn dang dở.
Chiến lược bền vững: Tự chủ vắc-xin, đẩy mạnh đầu tư vào y tế, “chữa bệnh” chậm đầu tư công và phát triển kinh tế tư nhân, bớt phụ thuộc vào FDI
Trong khi nhiều hy vọng đặt vào việc “có vắc-xin là mở cửa lại được nền kinh tế”, dường như người ta lại quên rằng, vắc-xin sẽ giảm dần hiệu quả.
CEO của Pfizer, Albert Bourla, đã đưa ra nhận định rằng, có lẽ sẽ cần tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 hàng năm do có dấu hiệu kháng thể do vắc-xin tạo ra giảm dần theo thời gian. Nếu như vậy, trước hết, Việt Nam cần phải đẩy mạnh tự chủ vắc-xin và sớm phát triển một ngành công nghiệp y sinh đủ mạnh để không phụ thuộc nước ngoài, tránh tình trạng lúng túng như hiện tại.
Ngoài ra, Covid-19 làm bộc lộ nhiều điểm yếu của Việt Nam trong hệ thống y tế công, nên cần đẩy mạnh chi tiêu cho y tế hơn để nâng cao sức đề kháng của Việt Nam trước những dịch bệnh mới trong tương lai.
Thứ hai, cần đẩy mạnh đầu tư công. Năm 2021 tiếp tục là một năm giải ngân vốn đầu tư công còn chậm do nhiều lý do khác nhau. Tính đến hết tháng 9 mới đạt chưa đến 50% kế hoạch năm. Căn bệnh giải ngân đầu tư công chậm đã trở thành kinh niên trong nhiều năm nay mà chưa có “thuốc trị” hiệu quả. Nếu muốn kích thích đầu tư tư nhân và thu hút vốn đầu tư nước ngoài bền vững, đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, nhưng lại cũng là điểm nghẽn hàng đầu đối với tăng trưởng kinh tế trong mấy năm qua. Để giải quyết vấn đề này, cần rà soát mạnh mẽ các thủ tục, yếu tố đang cản trở để khơi thông động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng này.
Cuối cùng, việc phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm khoảng 70% xuất khẩu của Việt Nam đã góp phần không nhỏ khiến kinh tế cả nước phụ thuộc rất lớn vào việc đi hay ở, dừng hay mở lại của doanh nghiệp nước ngoài. Về dài hạn, điều này đặt ra thử thách về cả an toàn và ổn định kinh tế quốc gia, cũng như thách thức tính hiệu quả về mặt chính sách tiền tệ.
Nếu vốn nước ngoài đổ vào nhiều, hoặc đổ ra nhiều, công cụ lãi suất và bơm tiền qua thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước sẽ mất dần hiệu quả, vì dòng vốn nước ngoài sẽ lấn áp dòng tiền trong nước. Đây là điều đã được cảnh báo và trong dịch bệnh, chúng ta thấy rõ sự mong manh của nền kinh tế trước sức ép chuyển đơn hàng đi của khối doanh nghiệp FDI. Đó chỉ mới là chuyển đơn hàng, nếu họ chuyển cả vốn đi thì như thế nào?
Tiếp tục những cải cách còn dang dở: Cải cách môi trường kinh doanh, hành chính công
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan có nói: “Không thể vin cớ Covid-19 mà đình hoãn cải cách kinh tế”. Tôi rất đồng tình với quan điểm này. Cải cách thể chế, môi trường kinh doanh phải được làm liên tục, như bà Lan nói: “Không thể mượn danh hay vì Covid-19 mà đứt đoạn hoặc bao biện cho đình hoãn được”. Muốn kinh tế tư nhân trong nước thay thế được FDI, họ càng cần môi trường kinh doanh tốt hơn nữa và nuôi dưỡng nguồn lực kinh tế tư nhân (chứ không phải vắt kiệt họ). Trong dịch bệnh, đã bộc lộ những yếu kém của nhiều địa phương trong thực thi chính sách. Ngày thường, có thể tưởng tượng những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt với những yếu kém đó còn lớn đến chừng nào. Cải cách là bỏ đi những quy định làm khó doanh nghiệp, đồng thời cũng phải đi kèm với cải tổ bộ máy hành chính theo hướng trong sạch và hiệu quả hơn.
Vì vậy, cải cách môi trường kinh doanh và hành chính công càng cần thiết hơn bao giờ hết, khi chúng ta có dịp nhìn thấy quá nhiều bất cập của nó.
Xác định đúng nguy cơ và thử thách: Kinh tế số và biến đổi khí hậu
Trong tiến trình dịch bệnh, ở nhiều nước và Việt Nam đã diễn ra một tiến trình chuyển đổi số bắt buộc nhanh chưa từng thấy. Người ta làm quen với những dịch vụ số, mua sắm trên mạng, học trực tuyến. Nó đặt ra một cơ hội rất lớn cho tiến trình chuyển đổi số và làm thay đổi thói quen tiêu dùng cũng như làm việc. Các công ty kiểm toán Deloitte và PwC đã ra quyết định cho hàng chục đến hàng trăm ngàn nhân viên được lựa chọn làm việc tại nhà “vĩnh viễn”.
Sự phát triển của công nghệ blockchain, sự hình thành của nền kinh tế tiền mã hóa, sự phát triển nhanh chóng của trò chơi NFT và những tham vọng thế giới ảo của Facebook đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trong lối sống nhanh chưa từng có trong nhiều thập kỷ gần đây. Bất kể tốt hay xấu, Việt Nam cần thích ứng và tận dụng tốt cơ hội này.
Điều đó cần một khung pháp lý mở, cho phép thử nghiệm những thứ mới mà pháp luật chưa có khuôn khổ điều chỉnh một cách nhanh chóng, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường lao động, không bó hẹp trong các chương trình khung đào tạo. Việc nước Anh đưa các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trường đại học vào khuôn khổ quản lý của Bộ Chiến lược thương mại, năng lượng và công nghiệp (Department for Business, Energy and Industrial Strategy - BEIS) đã cho thấy ý định tự do hóa hoạt động đào tạo theo hướng nhắm vào nhu cầu của nền kinh tế. Đây là một điều chỉnh chiến lược quan trọng gắn hoạt động sáng tạo, khoa học và đào tạo với nhu cầu của thị trường và tách khỏi chuyện giáo dục thuần túy.
Quan trọng hơn nữa, việc gắn năng lượng và môi trường vào trong Bộ BEIS cũng là nhấn mạnh rằng, phát triển kinh tế bây giờ phải đi đôi với giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu với thiên tai, sạt lở, đồng thời vẫn đang đối mặt với ô nhiễm không khí, nguồn nước. Về lâu dài, những tác hại này có thể còn nghiêm trọng hơn dịch Covid-19 vì nó làm giảm dần GDP mỗi năm một cách âm thầm qua những tổn thất nó gây ra cho nền kinh tế về người và của.
Do vậy, Việt Nam cần phải nghiêm túc đối mặt với vấn đề này và môi trường không tách rời khỏi phát triển kinh tế, mà là hai mặt của một vấn đề. Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với sống chung với biến đổi khí hậu đã trở thành một điều khó tránh.
Lời kết
Để phục hồi hoàn toàn nền kinh tế về quỹ đạo tiềm năng sau dịch đòi hỏi một quá trình dài, chứ không bật lại ngay trong năm 2022. Đó là chưa kể đến vấn đề già hóa dân số và bất bình đẳng thu nhập sau dịch. Nó cần cả một quá trình cải cách và đổi mới đi kèm, cũng như những nhận thức đúng về cơ hội và thách thức. Mà muốn cải cách, cần những quyết tâm chính trị vô cùng lớn.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!
(Còn tiếp)