Phục hồi kinh tế 2022: Tập trung khôi phục tổng cầu

0:00 / 0:00
0:00
Khi tiến trình phục hồi kinh tế bắt đầu, nhiều chương trình, giải pháp tổng thể được Chính phủ đề xuất thực hiện, song một trong những mấu chốt quan trọng là phải làm sao để khôi phục tổng cầu.
Tổng cầu giảm là một trong những nguyên nhân không nhỏ khiến tăng trưởng kinh tế năm 2021 chỉ đạt 2,58%.

Tổng cầu giảm là một trong những nguyên nhân không nhỏ khiến tăng trưởng kinh tế năm 2021 chỉ đạt 2,58%.

Có lẽ, đó chính là một trong những lý do vì sao trong Nghị quyết số 01 của Chính phủ về các biện pháp điều hành kinh tế năm 2022, một trong những trọng tâm được nhấn mạnh là triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội để hỗ trợ phục hồi sản xuất - kinh doanh, lưu thông hàng hóa, kết nối cung cầu lao động, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa...

Trong đó, thúc đẩy tiêu dùng nội địa đã được nhấn mạnh. Thậm chí, lần đầu tiên trong nhiều năm gần đây, mục tiêu cụ thể đã được Chính phủ đưa ra, đó là phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 7 - 8%.

Đây là con số mà Việt Nam thường xuyên đạt được trước thời điểm Covid-19 bùng phát. Khi đại dịch ập xuống, chỉ số này đã sụt giảm mạnh. Năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố giá, giảm 1,2% (trong khi năm 2019 tăng 9,5%). Trong vòng 10 năm 2011 - 2020, đây là con số đạt được thấp nhất.

Năm 2021, tốc độ giảm còn lớn hơn (-3,8%), thậm chí, nếu loại trừ yếu tố giá, thì giảm tới 6,2%.

Covid-19 phức tạp, kéo dài trên diện rộng đã dẫn đến tình trạng này. Khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng, sức mua thậm chí đã có thời điểm lao dốc thẳng đứng. Sức mua giảm không phải chỉ vì lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, mà còn vì thu nhập của người dân đã bị ảnh hưởng không nhỏ vì dịch bệnh.

Con số vừa được Tổng cục Thống kê công bố cách đây ít ngày, năm 2021, có 24,7 triệu người bị tác động tiêu cực bởi Covid-19. Trong đó, có 2,3 triệu người mất việc làm; 12,4 triệu người phải tạm nghỉ việc một thời gian do doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất - kinh doanh để thực hiện giãn cách xã hội; 8 triệu người bị cắt giảm thời gian làm việc, phải làm việc luân phiên. Đặc biệt, có tới 16,9 triệu lao động đã bị giảm thu nhập. Điều này tất nhiên dẫn đến tiêu dùng giảm và tổng cầu sụt giảm.

Câu chuyện nằm ở chỗ, tổng cầu sụt giảm sẽ không tạo được động lực cho sản xuất - kinh doanh, qua đó, sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Tổng cầu giảm là một trong những nguyên nhân không nhỏ khiến tăng trưởng kinh tế năm 2021 chỉ đạt 2,58%.

Trên thực tế, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, đầu tư công đã được coi là “cỗ xe tam mã” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong “tam mã” này, trong khi xuất khẩu vẫn đạt kết quả tích cực (dù thực tế, đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu vẫn thuộc về khối doanh nghiệp có vốn FDI và dù tăng trưởng xuất khẩu vẫn chưa phản ánh đúng sự đóng góp đối với nền kinh tế), thì đầu tư công đang có dấu hiệu chậm lại, còn tiêu dùng nội địa lại đang… đi giật lùi.

Bởi thế, để nền kinh tế có thể phục hồi trong năm 2022, ba trụ cột tăng trưởng phải cùng tăng tốc. So với 2 trụ cột còn lại, tiêu dùng nội địa càng phải tăng tốc nhanh hơn, mới có thể tạo được “kiềng 3 chân” vững chãi cho nền kinh tế.

Chính Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương để triển khai Kế hoạch năm 2022 cũng đã nhấn mạnh rằng, phải khôi phục tổng cầu của nền kinh tế. Các biện pháp được Thủ tướng nhắc đến là, phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước; thực hiện kích cầu du lịch phù hợp với tình hình dịch bệnh…

Trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ dự kiến thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023, dù trọng tâm chính sách được thực hiện ở cả phía cầu và phía cung, song rõ ràng, phía cầu cũng đóng một vai trò quan trọng.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan dự thảo Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chương trình sẽ mang lại tác động tích cực, kích cầu tiêu dùng, mở rộng sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tạo việc làm cho người lao động, tạo nền tảng và động lực phát triển kinh tế.

Thực hiện chương trình này, năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ tăng thêm 2,9 điểm phần trăm so với kịch bản không thực hiện chính sách và năm 2023 tăng thêm 0,2 điểm phần trăm.

Điều đó có nghĩa, dù khôi phục tổng cầu không phải là tất cả, song chắc chắn có ý nghĩa rất lớn đối với sự phục hồi của nền kinh tế.

Tin bài liên quan