Phục hồi bền vững với tài chính xanh

Phục hồi bền vững với tài chính xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 đã bào mòn nguồn lực con người, xã hội và kinh tế trên phạm vi toàn cầu, đem đến nhu cầu cấp bách phải kiến thiết lại các nền kinh tế trên toàn thế giới.

Những lựa chọn được đưa ra trong giai đoạn hậu Covid-19 sẽ định hình xã hội trong nhiều thập kỷ tới. Theo đó, việc đặt ra các mục tiêu phục hồi xanh là rất quan trọng nhằm đảm bảo các hành động được thực hiện sẽ mang lại kết quả mong muốn. Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu (COP26) và các hội nghị quốc tế khác có sự tham gia của các nước Đông Nam Á sẽ đem đến cơ hội thu hút sự ủng hộ của quốc tế đối với khu vực này và tạo động lực thực hiện mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu trong thập kỷ tới.

Năm lĩnh vực cần sự quan tâm đặc biệt để đạt được các mục tiêu phát thải thấp, trong đó tài chính xanh đã được xác định là một trong những lĩnh vực then chốt. Tài chính xanh bao gồm đầu tư có trách nhiệm và đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) thông qua đánh giá cách thức hoạt động của doanh nghiệp theo các yếu tố xã hội và môi trường.

Nâng cao vai trò của chính phủ và doanh nghiệp

Ông Mark Billington, Giám đốc điều hành quốc tế, Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW)
Ông Mark Billington, Giám đốc điều hành quốc tế, Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW)

Các nước thành viên ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu, do đó cần phải chuyển đổi cấp bách sang xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững hơn và bao trùm sau đại dịch. Đây là thời điểm các chính phủ và doanh nghiệp cần sự dũng cảm và mạnh dạn trong việc thực hiện những mục tiêu đã được đặt ra.

Các chính phủ, khu vực tư nhân và khu vực tài chính cần đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi thiết yếu này. Chính phủ các nước Đông Nam Á cần xây dựng các chính sách tích cực khuyến khích tài chính xanh và dành nhiều nguồn lực hơn nhằm xây dựng năng lực cho tài chính xanh.

Các chính phủ cần đảm nhận một vai trò nổi bật hơn, giúp thị trường phân bổ nguồn lực theo cách thức bền vững hơn và có thể xem xét việc công bố một lộ trình chuyển đổi sang xây dựng hệ thống tài chính xanh hơn, như cách thức Chính phủ Anh gần đây đã làm.

Trong khi đó, là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, cũng như chịu trách nhiệm về một lượng đáng kể khí thải carbon, khu vực kinh tế tư nhân cũng nên thể hiện vai trò của mình. Thực hành tài chính xanh sẽ mang lại lợi ích cho các tổ chức trong khu vực tư nhân, giúp các đơn vị trở nên bền vững hơn và đảm bảo đáp ứng yêu cầu tuân thủ khi nhiều chính phủ đang đưa ra các quy định về tính bền vững.

Lĩnh vực tài chính có thể hỗ trợ doanh nghiệp thực hành tài chính xanh bằng nhiều cách thức, như hỗ trợ đưa ra kế hoạch thực hiện các yêu cầu công bố thông tin bền vững nhằm thúc đẩy chính phủ thực hiện cam kết xây dựng các hệ thống tài chính bền vững.

ICAEW và phát triển nghề tài chính xanh tại Đông Nam Á

Vào tháng 7/2020, ICAEW và một số tổ chức chuyên môn tài chính quốc tế đã khởi động Hiến chương Giáo dục Tài chính xanh, một sáng kiến được thiết kế nhằm nâng cao nhận thức và đào tạo về tài chính xanh và tính bền vững. Theo đó, các tổ chức nghề nghiệp này - vốn đại diện cho hàng triệu chuyên gia tài chính trên khắp thế giới, bao gồm cả khu vực Đông Nam Á và Việt Nam - cam kết tích hợp giáo dục về tài chính xanh và tính bền vững vào chương trình giảng dạy cốt lõi của mình, giúp các thành viên tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, cũng như liên tục phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

Nhằm củng cố việc thực hiện các cam kết hướng tới một thế giới tốt hơn và bền vững hơn, ICAEW cũng đồng tổ chức các cuộc thảo luận bàn tròn và các hội nghị về tài chính xanh với sự tham gia của các nhà lãnh đạo tài chính, các chuyên gia về bền vững và các nhà chính trị, với mục tiêu khám phá và xác định những việc cần làm nhằm đảm bảo quá trình phục hồi xanh sau đại dịch Covid-19, cũng như mang lại sự cải thiện mang tính lâu dài.

ICAEW cũng phối hợp với Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam (Britcham) nhằm thúc đẩy Tính bền vững và đáp ứng các tiêu chuẩn về ESG. ICAEW là thành viên tích cực của Nhóm công tác bền vững trực thuộc Britcham, với vai trò chia sẻ các kiến thức, hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm của mình thông qua cung cấp các tài liệu về tư duy lãnh đạo và đồng tổ chức các cuộc hội thảo trực tuyến liên quan.

Tin bài liên quan