Đường ven biển là một trong những trục giao thông quan trọng, tạo hành lang động lực ven biển tỉnh Phú Yên.

Đường ven biển là một trong những trục giao thông quan trọng, tạo hành lang động lực ven biển tỉnh Phú Yên.

Phú Yên ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông

0:00 / 0:00
0:00
Để tận dụng hết tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tỉnh Phú Yên ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối đồng bộ, hiện đại với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Cửa ngõ mới của Tây Nguyên

Phú Yên là một trong những tỉnh có đầy đủ các phương thức vận tải, từ đường bộ, đường sắt, đường thủy, đến đường biển, hàng không. Đây là điều kiện thuận lợi để mở cánh cửa giao thương, liên kết phát triển liên vùng, phát triển kinh tế biển, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Lê Tấn Hổ nhìn nhận, việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn khó khăn và điều kiện địa hình phức tạp, dẫn đến một số dự án, công trình giao thông chưa được đầu tư hoàn thiện, nên việc kết nối liên thông các khu vực, vùng chức năng, các loại hình vận tải chưa đồng bộ, chưa phát huy đúng tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư.

Theo Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, các tuyến quốc lộ (Quốc lộ 1D, Quốc lộ 25, Quốc lộ 29, Quốc lộ 19C, đường Trường Sơn Đông và Quốc lộ 19E nối với Gia Lai, tuyến đường bộ ven biển) và các tuyến cao tốc (cao tốc 01, cao tốc 23) sẽ được đầu tư nâng cấp, mở rộng, đảm bảo theo tiêu chuẩn.

Về hàng không, sẽ đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không Tuy Hòa đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc nội 4C, phục vụ 3 triệu lượt hành khách/năm; đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng, bảo đảm phục vụ 5 triệu lượt hành khách/năm khi có nhu cầu.

Với cảng biển, Phú Yên thuộc nhóm cảng biển loại 3, gồm Khu bến Vũng Rô và Khu bến Bãi Gốc - Đông Hòa, thực hiện theo Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với đường sắt, sẽ đầu tư cải tạo, nâng cấp ga Tuy Hòa (TP. Tuy Hòa) và ga Phú Hiệp (thị xã Đông Hòa). Đồng thời, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh của Campuchia và Lào khi đảm bảo đủ điều kiện theo quy định và huy động được nguồn lực.

Ông Đông cũng cho hay, về quy hoạch cảng hàng không, tỉnh đang làm việc với bộ và dự kiến sắp tới sẽ đầu tư 1.500 tỷ đồng để nâng cấp sân bay Tuy Hòa. Tương tự, tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào cảng Bãi Gốc và hiện có Tập đoàn Hòa Phát tiếp cận khảo sát, nghiên cứu.

Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, khai thác cảng biển; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển đạt nhóm cảng biển số 3, gồm: Khu bến Vũng Rô, Khu bến Bãi Gốc - Đông Hòa; duy trì, nâng cấp, cải tạo hệ thống cảng cá, khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão tại vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô và các khu vực khác, bảo đảm đạt điều kiện theo quy định; đầu tư mới các bến tàu, cầu phao nổi tại các địa phương ven biển để phục vụ phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên sẽ nâng cấp, xây dựng hệ thống đường tỉnh kết nối các tuyến đường cao tốc, đường quốc lộ đến các khu kinh tế, khu du lịch, dịch vụ trọng điểm, đường vào khu, cụm công nghiệp, nhằm tạo mạng lưới đường bộ hoàn chỉnh, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa đô thị và nông thôn, đạt tối thiểu đường cấp III - IV, quy mô 2 - 4 làn xe.

Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông

Theo ông Lê Tấn Hổ, Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong thời gian tới, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.

“Huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, nhất là đất đai để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông với tuyến đường ven biển, các trục giao thông chính gắn kết với các trung tâm, các đầu mối giao thương lớn của vùng và cả nước; các nút giao thông kết nối với cao tốc Bắc - Nam, tuyến kết nối cảng biển; tuyến quốc lộ kết nối trực tiếp giữa Phú Yên với các tỉnh trong khu vực, tạo liên kết phát triển vùng”, ông Hổ nhấn mạnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho hay, yêu cầu đặt ra đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông - vận tải của tỉnh là sự đồng bộ, từng bước hiện đại, bảo đảm tính kết nối giữa các khu vực kinh tế trọng điểm, phát triển hợp lý và tính liên kết giữa các phương thức vận tải.

Phú Yên là cửa ngõ ra biển của các tỉnh vùng Tây Nguyên, Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam; hành lang kinh tế phía Nam của các nước Tiểu vùng sông Mekong thông qua cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk, Quốc lộ 29, Quốc lộ 25, Quốc lộ 19C và hành lang Bắc - Nam thông qua cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Quốc lộ 1, Quốc lộ 1D, trục ven biển.

Như vậy, khi đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông sẽ tạo ra 2 hành lang phát triển theo hướng Bắc - Nam, kết nối Phú Yên với các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung và hành lang Đông -Tây kết nối Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời, kết hợp với các đầu mối giao thông quan trọng như cảng biển, sân bay, nhà ga, bến xe…, hình thành trung tâm logistics, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nếu hoàn thành các mục tiêu đặt ra ở trên, tôi tin tưởng, đây sẽ là chất xúc tác để kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và vùng nói chung phát triển vượt trội.

Ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên

Tin bài liên quan