Tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, UBND tỉnh Phú Yên vừa tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia Phù điêu Kala Núi Bà. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Phú Yên (1/4/1975 – 1/4/2025) và Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
![]() |
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên trao Quyết định của Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia Phù điêu Kala Núi Bà. |
Phát biểu lại lễ công bố, ông Đào Mỹ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho hay, Phù điêu Kala Núi Bà là hiện vật gốc, độc bản, được phát hiện trong hố khai quật di tích Núi Bà vào năm 1993, cùng với việc phát hiện được nền móng của công trình kiến trúc đền tháp Champa tại đây.
Sau khi được phát hiện và đưa về bảo quản, trưng bày ở Bảo tàng Phú Yên, phù điêu Kala đã được nhiều chuyên gia về văn hóa Champa quan tâm nghiên cứu. Trong di sản văn hóa Champa, Kala là thần thời gian, là một chủ đề trang trí quan trọng của kiến trúc đền tháp.
“Phù điêu Kala Núi Bà là bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh nói chung và di sản văn hóa Champa nói riêng”, ông Mỹ cho biết.
Phó chủ tịch tỉnh Phú Yên cũng đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện tốt việc quản lý, khai thác phát huy hiệu quả những giá trị của bảo vật quốc gia Phù điêu Kala Núi Bà. Đồng thời, Sở tiếp tục nghiên cứu lựa chọn hiện vật đảm bảo tiêu chí quy định để lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, hướng đến phát huy tốt nguồn lực từ hệ thống di sản văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
![]() |
Hình ảnh Phù điêu Kala Núi Bà lúc được phát hiện. Nguồn: Bảo tàng tỉnh Phú Yên. |
Theo ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Phù điêu Kala được phát hiện trong hố khai quật di tích Núi Bà, thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên và được đưa về Bảo tàng tỉnh Phú Yên năm 1993.
Niên đại của hiện vật phù điêu Kala được xác định trên cơ sở niên đại của di tích tháp Núi Bà, nơi tìm thấy hiện vật này. Về niên đại tháp Núi Bà, từ kết quả khảo sát, khai quật khảo cổ vào các năm 1990, 1993 đã xác định di tích này có niên đại vào khoảng thế kỷ XIV.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên thông tin, đây là hiện vật duy nhất, thuộc phong cách Tháp Mẫm muộn, là chiếc đầu Kala cuối cùng, có niên đại muộn nhất. Đến nay, chưa phát hiện được chiếc đầu Kala nào có niên đại sau thế kỷ XIV. Điều này tạo nên giá trị độc bản của phù điêu Kala phát hiện ở Phú Yên, nó mang ý nghĩa đại diện cho một phong cách nghệ thuật điêu khắc Champa.
Phù điêu Kala có chất liệu từ đá Túp Riôlit Đaxit, khối lượng 105,5 kg. Kích thước lần lượt có chiều cao 60 cm; chiều rộng đế 44 cm; chiều dày đế 17 cm; chiều dày đỉnh 11 cm.
Phù điêu Kala được tạo tác trên một khối đá hình lá nhĩ, đế bằng, đỉnh nhọn. Hiện vật phù điêu Kala về cơ bản còn nguyên vẹn, không bị phong hóa qua thời gian, các mảng khối và chi tiết đường nét chạm khắc, độ nông sâu còn rõ ràng sắc nét.