Vận động thành lập hiệp hội phụ trợ bảo hiểm
Các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm hiện nay đều có sử dụng hoạt động phụ trợ bảo hiểm. Sự phát triển hoạt động phụ trợ bảo hiểm đi kèm với sự phát triển của thị trường bảo hiểm.
Các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm gồm có công ty tư vấn bảo hiểm, công ty đánh giá rủi ro bảo hiểm, các công ty tính toán bảo hiểm, công ty giám định tổn thất, công ty hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm và các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Sau khi Luật được thông qua, một số cá nhân thuộc các công ty trên đã thành lập Ban vận động và kêu gọi các thành viên khác hướng tới việc thành lập một tổ chức xã hội - nghề nghiệp về phụ trợ bảo hiểm, bởi tính cần thiết cũng như vai trò của các hoạt động phụ trợ trên thị trường.
Thực tế, kinh doanh bảo hiểm là một quan hệ được thiết lập trên cơ sở hợp đồng giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm.
Tuy nhiên, để thiết lập được quan hệ hợp đồng bảo hiểm, ngoài việc các bên trực tiếp thiết lập quan hệ còn có sự tham gia của các chủ thể khác giúp cho các chủ thể chính, đó là đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tư vấn viên bảo hiểm...
Những chủ thể này góp phần thúc đẩy sự ổn định, bền vững trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hạn chế gian lận, trục lợi bảo hiểm.
Ban vận động cho rằng, việc ổn định các thành phần trên sẽ cải thiện đáng kể hoạt động kinh doanh bảo hiểm hiện nay tại Việt Nam.
Thực tế, các thành phần trung gian này thường bị xem nhẹ trong các hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đôi khi phụ thuộc vào chính doanh nghiệp bảo hiểm, điều đó có thể dẫn đến không công bằng đối với khách hàng mua bảo hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, uy tín của ngành.
Việc thành lập các tổ chức đại diện cho từng thành phần như tổ chức của đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, hay tổ chức của riêng tư vấn viên cũng dần được đề cập, nhằm bảo vệ quyền lợi các thành viên cùng chung ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, qua đó các thành viên có những đóng góp mạnh mẽ hơn vào sự phát triển của thị trường bảo hiểm nói chung.
Cũng có ý kiến cho rằng, để ổn định và phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam, việc thành lập các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm có thể theo định hướng liên kết các chủ thể cùng chung mục đích, quyền lợi, trách nhiệm gắn liền nhau vào một tổ chức riêng.
Chẳng hạn, thành lập tổ chức mà thành viên bao gồm đại lý bảo hiểm và phụ trợ bảo hiểm, sự liên kết giữa các chủ thể này sẽ tạo sự thống nhất chặt chẽ trong việc phối hợp hoạt động, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Một phương án khác là thành lập một tổ chức bao gồm tất cả các thành phần trung gian kinh doanh bảo hiểm, ngoại trừ doanh nghiệp bảo hiểm, vì mỗi hoạt động trung gian đều ít nhiều liên quan và ảnh hưởng đến nhau trong suốt quá trình bảo hiểm phức tạp.
Theo nguồn tin của phóng viên, đại diện cơ quan quản lý trao đổi với Ban vận động và cho rằng, việc thành lập một tổ chức xã hội - nghề nghiệp về phụ trợ bảo hiểm là cần thiết. Ðây là cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm, tạo môi trường hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình hành nghề.
Nhưng điều khiến cơ quan quan lý cân nhắc là làm thế nào để không chỉ đứng ra bảo vệ lợi ích nhóm trong hoạt động phụ trợ bảo hiểm, tổ chức xã hội - nghề nghiệp còn là cầu nối bảo vệ quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm…
Ðược biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã có hiệu lực, nhưng có giai đoạn chuyển tiếp 1 năm đến ngày 1/11/2020 đối với nội dung liên quan đến điều kiện của phụ trợ bảo hiểm, để các cá nhân, tổ chức hoàn thiện các điều kiện cần thiết.
Do đó, thời gian thành lập một tổ chức xã hội - nghề nghiệp về phụ trợ bảo hiểm có thể kéo dài hơn so với kỳ vọng của Ban vận động.
3 phương án thành lập hội và kiến nghị
Tại một số quốc gia, có 2 mô hình tổ chức hành nghề chính trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm là Hội về phụ trợ bảo hiểm nằm trong Hiệp hội Bảo hiểm, chịu sự quản lý của Hiệp hội và Hội về phụ trợ bảo hiểm độc lập, với Hiệp hội Bảo hiểm, là tổ chức xã hội - nghề nghiệp riêng biệt trong lĩnh vực dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Tại Việt Nam, để lựa chọn một mô hình hoạt động Hội về phụ trợ bảo hiểm phù hợp, đáp ứng đúng mục đích, nhu cầu thực tiễn thành lập lại không đơn giản.
Ban vận động cho rằng, nếu Hội về phụ trợ bảo hiểm nằm trong Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thì có nguy cơ mâu thuẫn quyền lợi giữa các thành viên.
Một số lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm được quy định trong luật như đánh giá rủi ro, tính toán bảo hiểm được xem là sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm có thể tính toán, đánh giá rủi ro thiệt hại một cách chính xác, tránh các vụ gian lận bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm khi giao kết hợp đồng.
Nhưng một số lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm khác như tư vấn bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường là những dịch vụ đảm bảo quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm, nếu cùng nằm trong Hiệp hội Bảo hiểm có thể sẽ có mâu thuẫn lợi ích với các doanh nghiệp bảo hiểm, trong khi đây chính là những thành viên chính thức, nòng cốt của Hiệp hội.
Không thể phủ nhận, một số lĩnh vực phụ trợ nếu nằm trong Hiệp hội Bảo hiểm sẽ tạo sự liên kết lớn mạnh, giúp giảm thiểu các vụ gian lận bảo hiểm, hay doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đưa ra các quyết định hiệu quả hơn, hạn chế rủi ro không đáng có.
Nhưng cũng không thể chắc chắn việc quản lý, thống nhất ý kiến sẽ công bằng đối với một số lĩnh vực bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể khác.
Ông Ðỗ Hồng Sơn, một thành viên Ban sáng lập cho biết, dựa trên yêu cầu của các thành viên, Ban sáng lập hiện đưa ra 3 phương án thành lập Hội về phụ trợ bảo hiểm, đó là thành lập mỗi chủ thể một hội, thành lập hội liên kết, thành lập hội tổng hợp.
Tuy nhiên, phương án được lựa chọn như thế nào sẽ phụ thuộc vào định hướng, điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước.
Ngoài ra, cần phải thống kê, hoàn thiện các thành phần đại lý, môi giới, phụ trợ. Việc này sẽ rõ ràng khi các chủ thể phải làm theo các điều kiện quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, hạn cuối là ngày 1/11/2020.
Theo Nghị định 80/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013, phạt tiền từ 60 - 70 triệu đồng đối với hành vi cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không đáp ứng điều kiện, hoặc tổ chức không có tư cách pháp nhân cung cấp một trong các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm sau: đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm khi cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm sau: không giữ bí mật thông tin khách hàng, hoặc sử dụng thông tin khách hàng không đúng mục đích, hoặc cung cấp thông tin cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của khách hàng, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật;
Tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cung cấp dịch vụ giám định tổn thất bảo hiểm và hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm cho hợp đồng bảo hiểm mà tổ chức đó đồng thời là bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng;
Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cung cấp dịch vụ giám định tổn thất bảo hiểm cho hợp đồng bảo hiểm mà doanh nghiệp đó thực hiện thu xếp giao kết hợp đồng bảo hiểm; không thực hiện đúng quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không được lập bằng văn bản.