Phát huy các nguồn lực
Phú Quốc được công nhận là đô thị loại II từ năm 2014. Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đang chờ Trung ương phê duyệt Đề án Thành lập thành phố biển Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Từ hoạch định chính sách này, Phú Quốc đã và đang tập trung đầu tư mạnh để phát triển hạ tầng thiết yếu bằng các nguồn vốn trong và ngoài ngân sách...
Nhiều công trình trọng điểm được triển khai và đưa vào sử dụng như Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng biển hàng hóa quốc tế An Thới, Cảng biển hành khách Dương Đông, đường điện cáp ngầm Hà Tiên - Phú Quốc, đường quanh đảo, đường trục chính Nam - Bắc , cáp treo An Thới...
Ông Nguyễn Thống Nhất, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc cho biết, với nhiều ưu đãi, cơ chế thông thoáng và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, Phú Quốc được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian ngắn. Hiện nay, theo Quy chế hoạt động của đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới, dự án của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào Phú Quốc được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% áp dụng trong suốt thời gian thực hiện dự án; người Việt Nam và nước ngoài được giảm 50% thuế thu nhập đối với thu nhập cao.
“Sân bay quốc tế Phú Quốc. có thể tiếp nhận các loại máy bay lớn với lưu lượng 2,6 triệu lượt khách mỗi năm. Bên cạnh đó, hàng chục chiếc tàu cao tốc chất lượng cao chạy các tuyến Hà Tiên - Phú Quốc và Rạch Giá - Phú Quốc, đưa trên 2.000 lượt khách ra vào đảo mỗi ngày”, ông Nhất phấn khởi nói.
Sự đầu tư đồng bộ đã phát huy hiệu quả. Năm 2018, khách du lịch đến Phú Quốc tăng gấp đôi so với trước khi sân bay mới khai trương (gần 700.000 lượt). Dự báo, năm 2019, Phú Quốc sẽ đón vài triệu lượt du khách, trong đó khoảng 30% là khách quốc tế. Sân bay Phú Quốc không chỉ đơn thuần thu hút thêm nhiều du khách đến với đảo ngọc, mà còn là tiền đề quan trọng để Phú Quốc “cất cánh” trong tương lai không xa.
Tạo đà cất cánh
Ông Nguyễn Thống Nhất cho biết, ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất trong nước, hiện nay, giới đầu tư ở Phú Quốc quan tâm một số vấn đề hấp dẫn như: quy chế cho phép các tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tổ chức và cá nhân nước ngoài được đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê, cho thuê lại hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã xây dựng hạ tầng theo quy định tương ứng của pháp luật về đất đai; người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà…
“Các nhà đầu tư đến Phú Quốc sẽ nhận được sự hỗ trợ tối đa từ chính quyền tỉnh Kiên Giang và huyện đảo Phú Quốc. Nếu ngoài thẩm quyền, địa phương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan để kịp thời tháo gỡ và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư”, ông Nhất chia sẻ.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Phú Quốc đã có 265 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng và quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 được thẩm định và phê duyệt với tổng diện tích đã được phê duyệt 7.384,98 ha. Số phòng lưu trú được phê duyệt quy hoạch trong các khu du lịch theo điều chỉnh quy hoạch chung khoảng 80.141 phòng.
Những năm gần đây, Phú Quốc đã thay đổi rõ nét và toàn diện trên các mặt, kinh tế tăng trưởng bình quân 27,52%/năm; thu ngân sách đạt trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm; GDP bình quân đầu người tăng gần 4 lần so với năm 2010; doanh thu du lịch bình quân tăng 43%/năm.
Có thể nói, những kết quả đạt được của Phú Quốc đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Kiên Giang và tạo ra cực tăng trưởng mạnh nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Lũy kế đến ngày 15/7/2019, trên địa bàn Phú Quốc có 299 dự án đầu tư còn hiệu lực trong các khu quy hoạch với diện tích 10.585 ha.
Trong đó, có 36 dự án đi vào hoạt động với diện tích 1.182 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 14.758 tỷ đồng; 35 dự án đang triển xây dựng (6 dự án đã hoạt động một phần) với diện tích 3.203 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 95.731 tỷ đồng; các dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Riêng về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đến nay, trên địa bàn huyện Phú Quốc có 31 dự án FDI với tổng vốn 293 triệu USD.