Phối cảnh Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc
Tham dự cuộc họp còn có lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Công an, Quốc phòng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tài nguyên Môi trường, Xây dựng.
Mục tiêu của Dự án nhằm xây dựng Cảng đủ sức tiếp nhận tàu khách du lịch quốc tế. Ngoài ra, cảng có thể kết hợp tiếp nhận tàu hàng hóa, tàu quân sự nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng. Việc xây dựng Cảng mang tầm nhìn chiến lược dài hạn.
Tổng mức đầu tư Dự án khoảng 1.561 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn và được đầu tư theo hình thức BOT có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng-kỹ thuật biển (Portcoast), đơn vị tư vấn lập quy hoạch, dự báo nhu cầu hành khách đường biển quốc tế tới Phú Quốc có thể lên tới 105.000-190.000 hành khách/năm giai đoạn 2020; 350.000-550.000 hành khách/năm giai đoạn 2030. Portcoast đề xuất xây dựng Cảng Hành khách Quốc tế Phú Quốc có thể tiếp nhận các tàu khách siêu sang chở từ 5.000-6.000 khách.
Tại cuộc họp, đại diện cơ quan chức năng thuộc các Bộ, ngành đã tập trung trao đổi ý kiến, đưa ra phương án tối ưu, tháo gỡ các khó khăn để Dự án sớm được triển khai. Đồng thời nhà đầu tư cũng báo cáo phương án, giải pháp khả thi liên quan đến việc đầu tư Dự án, vận hành khai thác.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Công đề nghị đơn vị tư vấn rà soát, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án để trình cấp thẩm quyền phê duyệt; Vụ Kế hoạch đầu tư xem lại thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh nhóm cảng biển.
Thứ trưởng cũng đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang làm văn bản xin ý kiến Chính phủ về thủ tục pháp lý chỉ định thầu; bên cạnh đó, các cơ quan tham mưu thuộc Bộ GTVT tiến hành bàn giao hồ sơ liên quan đến dự án cho UBND tỉnh Kiên Giang; Ban PPP liệt kê những công việc tỉnh cần thực hiện, Bộ GTVT sẽ hỗ trợ thẩm định các thủ tục, hồ sơ tiếp theo.