Phú Quốc hướng đến mục tiêu trở thành một trung tâm du lịch - hội nghị - nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế

Phú Quốc hướng đến mục tiêu trở thành một trung tâm du lịch - hội nghị - nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế

Phú Quốc “bừng sáng”

Đầu năm 2014, công trình cáp ngầm xuyên biển đã chính thức đấu nối lưới điện quốc gia từ đất liền ra Phú Quốc. Với sự kiện này, đảo ngọc Phú Quốc đã thực sự “bừng sáng” để khai thác tiềm năng và lợi thế của mình.

Công trình thế kỷ

Dự án cáp điện ngầm xuyên biển nối từ đất liền ra đảo Phú Quốc bắt đầu lập dự án đầu tư từ năm 2007, do Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên đến 2.336 tỷ đồng, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới chiếm 80%. Đây là dự án thuộc nhóm A, có công nghệ phức tạp.

Sau nhiều năm chuẩn bị, đến ngày 17/11/2013, Dự án chính thức khởi công tuyến cáp ngầm 110 kV xuyên biển từ thị xã Hà Tiên đến huyện đảo Phú Quốc. Chỉ sau 8 tuần thi công, tàu chuyên dụng của nhà thầu Italy đã hoàn thành việc kéo và đặt cáp ngầm từ xã Thuận Yên (Hà Tiên) đến bờ Hàm Ninh (Phú Quốc).

Ngày 26/1/2014, đã chính thức đấu nối điện ra đảo và hệ thống hoạt động ổn định từ đó đến nay.

Công ty Prysmian Powerlink S.r.l của Italy là nhà thầu chính (EPC), thi công tuyến cáp ngầm này với phương pháp rải và chôn cáp đồng thời. Cách thực hiện này có ưu điểm là giảm thiểu hư hỏng cáp ngầm, song chi phí đầu tư cao, do công nghệ phức tạp. Đặc biệt, 57 km cáp ngầm 110 kV dưới đáy biển dùng loại cáp một sợi 3 lõi với tiết diện 3 x 630 mm2, có khả năng tải tối đa 131 MVA. Đây dự án áp dụng công nghệ tiên tiến phức tạp, lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam và là dự án cáp điện ngầm vượt biển dài nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại.

Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, tuy dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu lớn, nhưng khả năng hoàn vốn là rất khả thi. Ông Nguyễn Thành Duy, Tổng giám đốc Công ty Điện lực miền Nam cho biết, thời gian qua, dù giá điện trên đảo cao gấp 3 lần đất liền, nhưng mỗi năm, ngành điện vẫn phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử, năm 2012, ngành điện đã phải bù lỗ 157 tỷ đồng, năm 2013 bù lỗ khoảng 200 tỷ đồng, do phát điện bằng dầu chạy động cơ diesel. “Chỉ tính riêng khoản bù lỗ này trong 10 năm đã bằng tổng vốn đầu tư dự án trên”, ông Duy nhấn mạnh.

Thắp sáng niềm tin

Lâu nay, Phú Quốc vẫn sử dụng nguồn điện từ nhà máy nhiệt điện (diesel), nên chi phí cao, kém ổn định, nhiều khu vực xa trung tâm thị tứ không có điện. Vì vậy, với việc đầu tư hệ thống cáp ngầm xuyên biển, đưa điện lưới quốc gia ra đảo, Phú Quốc đã như được tiếp thêm sức mạnh để chuẩn bị cho quá trình trở thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt. Và hơn hết, từ ngày có điện lưới quốc gia, đời sống người dân đã được cải thiện, nhất là đối với bà con ở vùng sâu, vùng xa trên đảo.

Bà Trần Thị Năm (xã Hàm Ninh) hào hứng nói: “Từ Tết đến nay, chúng tôi không còn phải canh giờ để xài điện phát từ máy chạy dầu diesel của Nhà máy Điện Phú Quốc nữa. Nguồn điện này luôn chập chờn, do nhiều hộ phải dùng chung một công-tơ điện, giá lại rất mắc. Nhà tôi chỉ dám dùng 2 bóng đèn compact từ 18 giờ đến 22 giờ, nhưng mỗi tháng phải trả 100.000 - 130.000 đồng tiền điện. Sau khi có lưới điện quốc gia, với giá điện giảm mạnh, con trai tôi liền mua ngay tivi và tủ lạnh về xài”.

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc cho biết, kể từ đầu tháng 3/2014, người dân huyện đảo đã được hưởng giá điện bằng với đất liền, tức chỉ bằng 1/3 so với trước. Vì thế, chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thống nhất giảm 10 - 15% giá các loại dịch vụ, sản phẩm cho du khách.

“Khi có điện lưới quốc gia, ‘vòng kim cô’ kìm hãm sự phát triển của hòn đảo nhiều tiềm năng này được tháo bỏ. Không vui sao được, khi mà người dân giờ đây chỉ phải trả giá điện bằng với giá điện ở đất liền. Không vui sao được khi Phú Quốc không còn tình trạng thiếu điện. Dòng điện lưới quốc gia đã nối đôi bờ, rút ngắn khoảng cách giữa đảo xa với đất liền”, ông Thành háo hức nói.

Theo ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, năm 2013, thu nhập bình quân đầu người ở đảo Phú Quốc ước đạt 70,3 triệu đồng. Phú Quốc đã thu hút được 206 dự án đầu tư trong các khu quy hoạch, với diện tích hơn 9.360 ha. Trong đó, có 13 dự án đi vào hoạt động, 11 dự án đang triển khai xây dựng, với tổng vốn đầu tư 4.080 tỷ đồng. Ngoài ra, một số công trình trọng điểm trên đảo đã hoàn thành, như Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng biển quốc tế An Thới, Cảng nội địa Dương Đông…

“Sau khi có điện lưới quốc gia, nhiều dự án được nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai. Để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, chính quyền địa phương đang chỉ đạo và ráo riết thi công những công trình trọng điểm ở Phú Quốc, như trục giao thông chính Bắc - Nam đảo, đường vòng quanh đảo và kết nối những trục đường ngang với các đô thị Dương Đông, An Thới, Bãi Thơm, Cửa Cạn... Một số công trình trong số đó sẽ hoàn thành trong năm nay”, ông Thi nói.

Có thể nói, dòng điện mới mang đến một cú hích, một sức bật kinh tế để Phú Quốc chuyển mình mạnh mẽ, phát huy tối đa lợi thế quan trọng của mình trong mối liên kết giao thông hàng hải, hàng không với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đó cũng là một trong những cơ sở để Phú Quốc trở thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt, hướng đến mục tiêu trở thành một trung tâm du lịch - hội nghị - nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế, trung tâm tài chính - công nghệ cao đẳng khu vực.

Tin bài liên quan