Phụ nữ vượt áp lực nghề nghiệp bằng... lắng nghe

(ĐTCK) Thống kê cho thấy, càng lên cao, tỷ lệ phụ nữ làm lãnh đạo tại các doanh nghiệp nói chung càng giảm. Với lĩnh vực tài chính, đầu tư, khó khăn để làm tốt còn lớn hơn nữa. Để đạt được thành công, tài năng là không đủ, mà bí quyết của nhiều nữ lãnh đạo chính là lắng nghe và chia sẻ.

Ngành tài chính: những thách thức đặc biệt với phái nữ

Trả lời câu hỏi vì sao tỷ lệ nữ trong lĩnh vực tài chính, quản lý đầu tư thấp hơn nhiều so với nam giới (trung bình 13% toàn thế giới) tại tọa đàm “Phụ nữ trong lĩnh vực quản lý đầu tư” do Học viện CFA tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua, 3/3/2017, bà Lệ Thị Lệ Hằng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) - đơn vị đang quản lý 350 triệu USD tổng tài sản và có hiệu quả đầu tư ổn định ở Top cao nhất của ngành quản lý quỹ Việt Nam trong các năm gần đây cho rằng, nghề tài chính, đầu tư có sức ép riêng lớn với tất cả những người tham gia ngành. Với phụ nữ, ngoài áp lực công việc, còn phải chịu nhiều sức ép lớn khác.

Phụ nữ vượt áp lực nghề nghiệp bằng... lắng nghe ảnh 1

Các diễn giả trao đổi tại  tọa đàm “Phụ nữ trong lĩnh vực quản lý đầu tư”

“Nghề này đòi hỏi phải đi rất nhiều. Có những doanh nghiệp, các bạn khối phân tích có thể phân tích rất kỹ, hỏi gì cũng trả lời được. Thế nhưng, nhìn bên ngoài thì thấy màu hồng, đến khi đưa người vào hội đồng quản trị, ban kiểm soát thì lại thấy toàn màu đen”, bà Hằng mở đầu với chia sẻ về câu chuyện thách thức nghề nghiệp đầu tư tài chính như thế, khi kể một bài học kinh nghiệm lớn của chính SSIAM, câu chuyện đầu tư vào Lafoco.

Theo bà Hằng, năm 2011, khi giá hạt điều tăng mạnh, mọi người đều nghĩ khi đầu tư vào công ty xuất khẩu điều sẽ có lợi, bởi nhìn vào doanh thu và biên lợi nhuận thì thấy khá ổn. Khi đội ngũ phân tích gặp gỡ doanh nghiệp thì nghe được câu chuyện khá hay; gặp các đối thủ cạnh tranh cũng thấy đây đúng là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Vì thế, SSI quyết định đầu tư vào đây.

Thế nhưng, cho đến khi sở hữu đủ 20% vốn điều lệ, có người ngồi vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát Lafoco thì SSI mới phát hiện ra những câu chuyện khác. Nếu chỉ là công ty buôn bán hàng hóa thông thường, thì xuất khẩu điều rất rủi ro vì không có công cụ phòng vệ (ví dụ giao dịch quyền chọn, kỳ hạn…). Trong khi đó, ở Việt Nam, có đến một nửa số hạt điều xuất khẩu là từ châu Phi nhập về.

Phụ nữ vượt áp lực nghề nghiệp bằng... lắng nghe ảnh 2 

“Thời gian từ đó về Việt Nam mất khoảng 3 tháng. Trong khoảng thời gian này, giá điều có thể tăng 20% nhưng cũng có thể giảm tới 50%, không ai có thể đoán được”, bà Hằng nói.

Cũng theo bà Hằng, bộ phận đầu tư bắt đầu thấy lo lắng, vì không biết Lafoco có phải là cơ hội đầu tư sáng hay không. Thế nhưng, khi ngồi lại với doanh nghiệp thì mình thấy rằng, họ đang làm thêm một phần có giá trị gia tăng là rang thêm muối cho hạt điều trước khi bán. Biên lợi nhuận cho mặt hàng này lên tới 15%, trong khi bán hạt điều thông thường có tỷ suất sinh lời trên doanh thu là 3%, cao nhất cũng chỉ lên mức 5%. Nếu là người phân tích bên ngoài thì sẽ không bao giờ nhìn thấy được.

Những con số tài chính có thể đã được trộn lẫn, những câu chuyện đặc thù của doanh nghiệp có thể không được phản ánh trên báo cáo, đó là hai trong số nhiều lý do khiến nghề đầu tư tài chính đòi hỏi những người theo đuổi, không phân biệt giới tính, phải hy sinh rất nhiều, phải sẵn sàng đi công tác xa để ngồi cùng doanh nghiệp, hiểu doanh nghiệp.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, cả ở thị trường Mỹ và Việt Nam, ở nhiều vị trí khác nhau (từ phân tích, đầu tư đến tổng giám đốc công ty quản lý quỹ), bà Hằng cho rằng, chỉ mất khoảng 2 ngày để ra được một bản phân tích dựa vào các báo cáo tài chính, nhưng để hiểu doanh nghiệp một cách chính xác, thì đó là một thách thức.

Phụ nữ vượt áp lực nghề nghiệp bằng... lắng nghe ảnh 3

Chính yếu tố này, cộng với áp lực hiệu quả đầu tư, đầu tư tài chính là lĩnh vực rất khắc nghiệt. Phải đi công tác nhiều làm cho khó khăn đối với phụ nữ trở nên lớn hơn, vì ngoài công việc, họ vẫn phải đảm đương vai trò người mẹ, người vợ, người con trong gia đình.

“Không người phụ nữ nào muốn đi làm về lại phải lau nhà, rửa bát, nấu cơm, rồi lo đối nội, đối ngoại. Nhưng phụ nữ vẫn phải làm. Ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực đầu tư tài chính cao hơn trung bình thế giới, vì ít nhất còn có thể nhờ được bố mẹ, ông bà một số việc nhà và thuê giúp việc ở Việt Nam rẻ hơn. Ở Mỹ, nếu 2 vợ chồng đều làm quản lý danh mục thì sau một thời gian, hầu hết sẽ phải có 1 người lùi lại phía sau. Tôi tin rằng, nếu không có hậu phương vững chắc, phụ nữ sẽ rất khó trụ lại trong lĩnh vực này”, bà Hằng nói về lý do tỷ lệ phụ nữ ở Việt Nam nói riêng, châu Á nói chung tham gia lĩnh vực đầu tư tài chính cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới.

Bản thân bà, dù là tổng giám đốc công ty quản lý quỹ, vẫn đảm bảo tự tay mình nấu cơm cho gia đình mỗi ngày, những đợt đi công tác thì đều lên kế hoạch/chuẩn bị đồ ăn mỗi bữa để người giúp việc theo đó mà thực hiện.

“Gia đình vẫn là trên hết. Nếu chồng con không vui thì mình cũng không thẻ làm việc. Tôi vẫn tự chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, bởi chỉ mình mới hiểu được khẩu vị của chồng, con mình như thế nào. Nếu tôi đi công tác 1 tuần, thì đồ ăn của 1 tuần sẽ được chuẩn bị sẵn theo từng bữa, bác giúp việc chỉ cần làm theo hướng dẫn”, bà Hằng chia sẻ về việc cân bằng giữa gia đình và công việc; điều mà hầu hết những người phụ nữ của công việc ngày nay không làm được.

Nữ lãnh đạo ngành tài chính: quản lý bằng sẻ chia

Cũng tại cuộc tọa đàm nói trên, trả lời câu hỏi về bí quyết quản lý nhân sự, bà Phạm Nguyễn Anh Thư, Giám đốc Đầu tư Vingroup cho rằng, chính sự sẻ chia, đào tạo, đối xử công bằng... là bí quyết giúp bà thực hiện tốt công việc được giao.

Làm việc tại Vingroup, một trong những tập đoàn lớn nhất tại Việt Nam, lại lo mảng nguồn vốn, đầu tư, bà Thư cho biết, đây là lĩnh vực đòi hỏi lượng công việc lớn, trong khi số nhân sự không nhiều.

“Nhiều khi tôi cảm thấy tự mình làm thì sẽ nhanh hơn là giao việc lại cho cấp dưới. Thế nhưng, nếu mình không giao việc và đào tạo nhân viên, lỡ mình bị ốm hoặc cùng lúc phát sinh nhiều việc thì phải giải quyết như thế nào? Vì thế, tôi đặt mục tiêu phải đào tạo để nhân viên giỏi bằng hoặc hơn mình”, bà Thư nói.

Bí quyết thứ hai của Giám đốc Đầu tư Vingroup là sự sẻ chia và đối xử công bằng với mọi người. Không chỉ đối xử công tâm với mọi người, với nhân viên, mà đôi khi bà chia sẻ cả những câu chuyện áp lực trong việc, những lo lắng, quan tâm… để mọi người cảm thông, gần gũi nhau trong công việc, gắn bó hơn, từ đó góp phần tạo nên sự đồng cảm.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Hằng cho hay, SSIAM có đội ngũ nhân sự mạnh, nhưng cũng đầy cá tính. Để quản lý đội ngũ này, lắng nghe và chia sẻ là yếu tố đặc biệt quan trọng.

 “Khi mọi người có quan điểm khác nhau trong đầu tư, mình phải để cho mọi người có cơ hội được nói hết. Đó không chỉ là yếu tố đóng vai trò phản biện mà còn giúp mọi người cảm thấy hài lòng với các quyết định cuối cùng, sau khi đã trao đổi và phân tích. Bên cạnh đó, bản thân tôi cũng thường xuyên chia sẻ tầm nhìn, khát vọng và tôi cảm thấy may mắn vì các bạn chia sẻ kế hoạch trước mỗi lời mời công việc. Nhờ vậy, đội ngũ nhân sự SSIAM khá ổn định và hoạt động hiệu quả”, bà Hằng nói.

Tin bài liên quan