“Trước đây, nếu có học sinh nữ nào tham gia lớp học, em ấy sẽ viện cớ “vô tình bị ốm” để nghỉ học. Tuy nhiên, giờ đây, một số các buổi học tôi dạy giống như dịp tụ tập của các cô gái”, Higo nói và cho biết, có một bà mẹ thay vì mua đồ chơi cho con, cô ấy bỏ tiền mua cổ phiếu của một hãng chuyên sản xuất đồ chơi cho trẻ em.
Đây là dấu hiệu đáng mừng đối với thị trường Nhật Bản, bởi từ lâu, Chính phủ nước này không ngừng tìm cách lôi kéo phụ nữ tham gia vào cuộc chơi cổ phiếu. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kỳ vọng với việc cổ phiếu tăng giá sẽ cùng lúc làm hồi phục nền kinh tế, đồng thời kéo chỉ số Topix đạt mức tăng trưởng hàng năm tốt nhất kể từ năm 1999.
“Phụ nữ đóng vai trò chủ chốt trong chu kỳ phát triển bền vững lâu dài của thị trường chứng khoán Nhật Bản. Với xu hướng ngày càng nhiều phụ nữ Nhật Bản đi làm việc bên ngoài, nhu cầu hoạch định những kế hoạch tài chính cũng sẽ gia tăng”, Kazuhiko Yoshimatsu, Trưởng phòng quan hệ truyền thông và nhà đầu tư ở Japan Exchange Group Inc nói.
Chiêu bài thuyết phục
Thuyết phục phụ nữ Nhật Bản thích thú với khái niệm vốn chủ sở hữu không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Nhiều công ty Nhật Bản phải tung ra các chiêu khuyến mãi quà tặng cho khách hàng là nữ giới khi tham gia đầu tư. Điển hình là trường hợp của công ty đầu tư bất động sản ở Tokyo Star Mica vừa thu hút nhiều cổ đông nữ bằng những sản phẩm mỹ phẩm khuyến mãi. Công ty Hokkaido Gas cũng vừa tuyên bố cung cấp 2kg gạo cho các cổ đông.
May mắn thay, những chương trình khuyến mãi của thị trường chứng khoán trùng hợp với thời điểm Thủ tướng Abe tung ra gói kích thích nền kinh tế với nỗ lực mong muốn gia tăng tỷ lệ phụ nữ đi làm và tỷ lệ lãnh đạo nữ giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy chính trị và các tập đoàn.
Kết quả cho thấy, đến thời điểm tháng 3/2014, khách hàng nữ chiếm 24% trong tổng số các tài khoản trực tuyến ở Công ty chứng khoán Matsui, đồng thời chiếm 31% tổng số các tài khoản mới tạo thành trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2014.
Tâm lý nhà đầu tư nữ Nhật Bản
“Nữ giới có xu hướng đầu tư nhiều hơn có thể vì truyền thông đang tập trung khai thác thị trường chứng khoán nhiều hơn nhờ ảnh hưởng của chính sách Abenomics”, Ryo Matsui, phát ngôn viên của Công ty chứng khoán Matsui nói.
Theo đó, chỉ số Topix vừa chứng kiến mức tăng 51% vào năm ngoái khi Thủ tướng Abe và Ngân hàng Nhật Bản thêm những chính sách kích thích nền kinh tế, đánh bại giảm phát. Mặc dù số lượng nhà đầu tư nữ đang gia tăng, song bộ phận nữ giới chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Trong khi các nhà đầu tư cá nhân nội địa chiếm 24% thị trường giao dịch cổ phiếu vào tháng 4/2014, thì 67% còn lại do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ, theo số liệu của Sở GDCK Tokyo TSE.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phụ nữ Nhật Bản tham gia vào thị trường cổ phiếu để nhận lấy các khoản cổ tức và sản phẩm khuyến mãi hơn là gia tăng vốn. Trong một cuộc thăm dò 10.000 nhà đầu tư cá nhân tham gia Sàn chứng khoán Tokyo vào năm ngoái, chỉ 22% nhà đầu tư nữ ở độ tuổi 30 và 40 nắm rõ khái niệm vốn chủ sở hữu. Họ cho biết, thuật ngữ thị trường rối rắm và phức tạp là nguyên nhân khiến họ không thể tìm thấy niềm đam mê cho lĩnh vực cổ phiếu. Đồng thời, cảm giác lo sợ thất bại cũng khiến họ trở nên e ngại khi đầu tư.
Một nguyên nhân nữa cản trở phụ nữ Nhật Bản tham gia vào thị trường chứng khoán là mức tiền lương cơ bản. Theo đó, mức lương trung bình của phụ nữ Nhật là 2,7 triệu yên/năm vào năm 2012, thấp hơn nhiều so với con số 5 triệu Yên của nam giới theo Tổ chức Thuế Quốc gia. Vì thế, khi xem xét những cơ hội đầu tư khác, họ không có nhiều sự lựa chọn.
“Khác với trước đây, phụ nữ Nhật Bản ngày nay biết cách sử dụng đồng tiền làm công cụ để kiếm lời. Họ muốn tăng vốn, nhận cổ tức và các sản phẩm khuyến mãi đi kèm với việc sở hữu cổ phiếu ”, Higo nói.