Tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản đi làm chỉ khoảng 60%. Ảnh: Japan Today

Tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản đi làm chỉ khoảng 60%. Ảnh: Japan Today

Phụ nữ nắm chìa khóa hồi sinh kinh tế Nhật

Không chỉ đối phó với giảm phát, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới còn bị đe dọa vì lực lượng lao động ngày càng thu hẹp - kết quả của già hóa dân số và giảm tỷ lệ sinh. Trong khi đó, hàng triệu phụ nữ học thức cao lại không đi làm.

Kathy Matsui tại Goldman Sachs đã nghiên cứu vai trò của phụ nữ tại Nhật Bản suốt hơn một thập kỷ qua. Theo bà, phụ nữ là "tài sản ẩn dật" và Nhật Bản đang lãng phí một trong những tài nguyên quý giá nhất để vực dậy nền kinh tế. "Rất khó để chạy marathon chỉ với một chân", Masui cho biết trên CNN.

 

Tỷ lệ phụ nữ đi làm của nước này chỉ khoảng 60%, kém xa so với 80% của đàn ông. Chỉ cần con số này nhích lên vài phần trăm, GDP Nhật Bản cũng sẽ tăng thêm đáng kể. Phụ nữ Nhật có xu hướng mua sắm nhiều hơn đàn ông. Vì thế, nếu họ đi làm, thu nhập và chi tiêu của các hộ gia đình tại đây sẽ tăng lên.

 

Đây là vấn đề các nhà hoạch định chính sách hàng đầu Nhật Bản đang cố gắng khắc phục. Thủ tướng Nhật - Shinzo Abe hồi tháng 4 cho biết phụ nữ là tài nguyên chưa được tận dụng triệt để tại Nhật Bản. Ông thậm chí còn nâng mục tiêu tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động.

 

Thủ tướng cho biết phụ nữ phải nắm ít nhất 30% vị trí cấp cao tại tất cả thành phần xã hội năm 2020. Các công ty cũng nên chỉ định ít nhất một lãnh đạo là phụ nữ. Các cải cách khác gồm hỗ trợ chăm sóc trẻ và tăng thời gian nghỉ sau sinh từ 1 lên 3 năm.

 

Khoảng 70% phụ nữ Nhật nghỉ làm sau khi sinh con đầu lòng, một phần do ít ưu đãi về kinh tế. Đàn ông Nhật được trả lương cao hơn phụ nữ gần 30%. Chênh lệch này đã được thu hẹp trong những thập kỷ qua, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các nước phát triển như Pháp, Mỹ hay Thụy Điển.

 

Matsui cũng cho biết Nhật Bản cần thay đổi quan niệm đàn ông là trụ cột gia đình, còn phụ nữ chỉ ở nhà lo nội trợ. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), phân biệt giới tính có thể khiến nữ giới nước này khó có được vị trí cao trong bộ máy chính trị và doanh nghiệp. Năm 2009, chỉ khoảng 9% lãnh đạo tại Nhật Bản là phụ nữ, thấp hơn nhiều 43% tại Mỹ.

 

Bản thân ông Abe cũng đã phá vỡ truyền thống bằng cách chỉ định hai phụ nữ vào Nội các. Các công ty lớn như Daiwa Securities hay Shiseido cũng đã đưa nữ giới vào vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên, thay đổi thực sự sẽ phải mất thêm vài năm nữa. "Nhật Bản đang có cơ hội rất lớn ngay trước mặt. Liệu họ sẽ bỏ qua hay nắm chặt cơ hội đó?", Masui nhận định.