Kiến tạo không gian sống chất lượng
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là những bước đi đầu tiên của chương trình mở rộng TP.HCM về hướng Nam, tiến ra biển, theo xu hướng của các đô thị lớn trên thế giới. Đây cũng chính là một trong những mô hình tiêu biểu liên doanh thành công sau khi Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài 1987.
Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nơi đây là một vùng đầm lầy, hoang sơ, không có đường đi và không mang lại giá trị kinh tế. Khi ấy, dự án liên doanh của Phú Mỹ Hưng ra đời và trở thành đại diện tiêu biểu cho công cuộc chuyển mình của TP.HCM, sau chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Năm 1993, Công ty Phú Mỹ Hưng đã tổ chức cuộc thi thiết kế quy hoạch đô thị mới với sự tham gia của các nhà quy hoạch kiến trúc hàng đầu thế giới. Kết quả, Skidmore, Owings & Merrill (Mỹ), Koetter Kim & Associates (Mỹ), Kenzo Tange & Associates (Nhật) đã thắng và làm nên quy hoạch tổng thể đô thị mới.
Năm 1996, Công ty Phú Mỹ Hưng bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị Phú Mỹ Hưng. Đó là đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 17,8 km, lộ giới 120 m có 10 làn xe. Đại lộ Nguyễn Văn Linh được xây dựng hoàn toàn mới băng qua vùng đất đầm lầy huyện Nhà Bè (nay là quận 7), quận 8 và huyện Bình Chánh. Từ đây, những nét vẽ đầu tiên của đô thị bắt đầu dần hiện thực hóa.
Trong 5 khu đô thị dọc theo tuyến Nguyễn Văn Linh, thì khu A - Khu đô thị Phú Mỹ Hưng được phát triển đầu tiên với 8 phân khu chức năng, gồm 3 phân khu thương mại dịch vụ, 5 khu còn lại tập trung phát triển nhà ở, bao gồm căn hộ, biệt thự, nhà phố.
Đặc thù kiến trúc và chức năng của từng tiểu khu đã tạo nên đô thị chức năng hoàn chỉnh với tiêu chí văn minh, thuận tiện sử dụng và hài hòa với cảnh quan sông nước, cây xanh.
Toàn bộ công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật, như hệ thống giao thông, điện, nước, viễn thông… cũng đã được xây dựng hoàn chỉnh. 113 dự án về xây dựng nhà ở đã được triển khai, nhiều cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đã hoàn thiện. Không những thế, Phú Mỹ Hưng còn thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp đến phát triển dịch vụ với hàng chục dự án thương mại, hàng trăm doanh nghiệp khuếch trương hoạt động kinh doanh vào khu đô thị này ở hầu hết mọi lĩnh vực.
Lý giải về sự thành công của đô thị Phú Mỹ Hưng, PGS-TS. Nguyễn Trọng Hòa, khi còn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, một trong những yếu tố để đô thị Phú Mỹ Hưng đi từ bản vẽ ra thực tế mà không bị phá vỡ quy hoạch chính là sự tham gia ngay từ đầu của nhà đầu tư trong công tác quy hoạch.
Theo chuyên gia xã hội học PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa, một giá trị khác, đó là Phú Mỹ Hưng góp phần định hình một phong cách sống mới, phong cách sống hiện đại của thế kỷ XXI, khiến con người có ý thức hơn về những quy ước sống nơi công cộng, kiến tạo không gian sống bền vững.
Kiến tạo, chuyển giao, duy trì và phát triển giá trị
Nhìn lại hành trình gần 30 năm đầu tư tại Việt Nam, tính đến nay, Phú Mỹ Hưng đã trải qua 3 phân kỳ phát triển, bao gồm: đô thị quy hoạch theo tiêu chuẩn Mỹ đầu tiên; chuyển tiếp đến đô thị kiểu mẫu đầu tiên; hình thành đô thị dịch vụ đầu tiên và hiện đang bước vào phân kỳ phát triển thứ tư là đô thị thông minh đầu tiên, hướng đến đáp ứng cuộc sống cư dân sinh thái và thuận tiện.
Giá trị sống thật của đô thị Phú Mỹ Hưng không chỉ thu hút người dân cả nước, mà còn là nơi cư trú của cộng đồng cư dân đa quốc gia. Đến nay, Phú Mỹ Hưng là nơi có người nước ngoài cư trú nhiều nhất Việt Nam, với tỷ lệ gần 50% so với tổng lượng dân cư toàn khu. Nhiều người hay ví von, đến Phú Mỹ Hưng, ra đường cứ gặp 2 người thì sẽ có 1 ngưới nước ngoài.
Tại Phú Mỹ Hưng, các yếu tố tạo nên giá trị như mắt xích kết nối với nhau theo kiểu giá trị sinh ra từ giá trị, giá trị chồng lên giá trị, và giá trị tạo nên giá trị. Và những điều đó đã tạo ra giá trị thực của một bất động sản: đáng mua, đáng sống, đáng đầu tư.
Tạo ra một bất động sản vừa có giá trị để ở, vừa có giá trị gia tăng là đích đến của mọi nỗ lực mà Phú Mỹ Hưng thực hiện suốt 30 năm qua. Và hành trình “nhân đôi, nhân 3, nhân n lần” giá trị cho người mua nhà sẽ không bao giờ dừng lại để người mua nhà luôn cảm thấy tự hào về sự lựa chọn của mình.
Một đô thị như thế sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của một vùng - miền, một địa phương. Thành công của Phú Mỹ Hưng là kiến tạo giá trị, chuyển giao giá trị và duy trì giá trị.
Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng được thành lập năm 1993 dựa trên liên doanh giữa Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC - Việt Nam, tên cũ là Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận), góp 30% vốn bằng quyền sử dụng đất và Công ty Phú Mỹ Hưng Asia Holdings (tên cũ là tập đoàn CT&D - Đài Loan), góp 70% vốn.
Trên quy mô diện tích 2.600 ha tọa lạc song song với TP.HCM về phía Nam, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng được giao khai thác và phát triển 5 khu (A, B, C, D, E) dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh. Trong đó, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là Khu A - Trung tâm đô thị mới có diện tích 433 ha.