Người đại diện có trách nhiệm quan trọng trong việc bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước đầu tư.

Người đại diện có trách nhiệm quan trọng trong việc bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước đầu tư.

Phụ cấp người đại diện: Còn “quên” nhiều đối tượng

(ĐTCK) có hiện tượng phổ biến là những cán bộ được cử tham gia ban kiểm soát, giúp việc HĐQT tại doanh nghiệp khác hiện lại đang được doanh nghiệp khác trả thù lao, bên cạnh phụ cấp do công ty nhà nước chi trả.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 5/2/2009 của Chính phủ đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi. Trong dự thảo này, nội dung liên quan đến quyền lợi của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác được hướng dẫn với khá nhiều điều khoản chi tiết, theo đó phụ cấp người đại diện do đại diện chủ sở hữu chi trả theo quy định của Bộ Nội vụ gắn với kết quả phân loại đánh giá hoạt động quản lý điều hành của doanh nghiệp khác hàng năm và kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đại diện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm liên quan đến vấn đề phụ cấp của người đại diện cần được tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn, nhằm đảm bảo quyền lợi cho những đối tượng này, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những tư lợi từ hoạt động đại diện phần vốn nhà nước.

Thứ nhất là việc quy định mức phụ cấp người đại diện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, nếu quy định này được chính thức ban hành thì sẽ rất mất thời gian để những người đại diện có thể được nhận phụ cấp, vì sau khi Thông tư của Bộ Tài chính được ban hành thì còn phải tiếp tục đợi hướng dẫn của Bộ Nội vụ về nội dung này. Trong khi đó, Nghị định số 09 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 25/3/2009, nghĩa là sẽ có một "khoảng trống" kể từ thời điểm trên. Ngoài ra, việc xác định một mức phụ cấp hợp lý theo một quy định chung của Bộ Nội vụ để đảm bảo hài hòa lợi ích của người đại diện tại các loại hình doanh nghiệp khác nhau sẽ rất khó khăn, phức tạp, do có sự khác nhau về quy mô vốn, quy mô hoạt động, kết quả kinh doanh của công ty nhà nước cử đi và doanh nghiệp khác mà người đại diện được cử đến, đồng thời còn phải được gắn với kết quả phân loại đánh giá hoạt động quản lý điều hành của người đại diện tại doanh nghiệp khác, như hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ, mà việc đánh giá này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ hoàn thành tại doanh nghiệp khác: tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư, kết quả xếp loại doanh nghiệp theo A, B, C và tình hình chấp hành các nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu, HĐQT, điều lệ của doanh nghiệp...

Thứ hai, trường hợp người đại diện được cử đến doanh nghiệp đang kinh doanh thua lỗ thì việc xác định nguồn để thanh toán phụ cấp người đại diện chưa được rõ ràng, do theo quy định tại Nghị định số 09, phụ cấp người đại diện được lấy từ lợi nhuận được chia từ vốn của Nhà nước góp vào doanh nghiệp khác, ở điểm này có thể hiểu theo hai hướng là đại diện ở doanh nghiệp nào thì hưởng tiền phụ cấp từ lợi nhuận được chia của doanh nghiệp ấy hoặc lấy từ tổng thu từ lợi nhuận được chia từ vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác của công ty nhà nước. Nếu không có hướng dẫn cụ thể ở điểm này thì rất có thể người đại diện sẽ "mất phần" phụ cấp trong khi họ vẫn hoàn thành nhiệm vụ, vì những lý do hoàn toàn khách quan do doanh nghiệp khác đã thua lỗ từ trước khi họ được cử đến.

Thứ ba, Nghị định số 09 và dự thảo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính đã "bỏ quên" không có chế độ phụ cấp đối với một số đối tượng cũng có trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty nhà nước tại doanh nghiệp khác, như cán bộ được giao theo dõi, quản lý phần vốn của công ty nhà nước nhưng không tham gia ban quản lý điều hành tại doanh nghiệp khác (do tỷ lệ phần vốn của công ty nhà nước không chiếm chi phối nên người đại diện không trúng cử vào HĐQT) và các cán bộ được cử tham gia ban kiểm soát, giúp việc HĐQT tại doanh nghiệp khác.

Đối với người đại diện không tham gia vào ban quản lý, điều hành doanh nghiệp khác nhưng họ vẫn có trách nhiệm thực hiện các quyền của cổ đông tại đại hội đồng cổ đông; theo dõi, giám sát tình hình hoạt động kinh doanh, tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác theo quy định của luật pháp, điều lệ doanh nghiệp; thực hiện báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu của đại diện chủ sở hữu về tình hình, kết quả hoạt động kinh doanh, vấn đề tài chính của doanh nghiệp khác, việc thực hiện các nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu giao... Rõ ràng, công việc là không ít và khá nặng nề, nhưng chế độ hiện hành lại chưa có quy định chi trả phụ cấp cho họ.

Trong khi đó, có hiện tượng phổ biến là những cán bộ được cử tham gia ban kiểm soát, giúp việc HĐQT tại doanh nghiệp khác hiện lại đang được doanh nghiệp khác trả thù lao, bên cạnh phụ cấp do công ty nhà nước chi trả. Tại nhiều doanh nghiệp, mức thù lao cho các đối tượng này cũng gần tương đương với người đại diện tham gia chuyên trách tại ban quản lý, điều hành doanh nghiệp khác. Do đó, dự thảo Thông tư cần có hướng dẫn rõ ràng về việc có thu hay không thu tiền thù lao mà các đối tượng được cả tham gia ban kiểm soát, giúp việc HĐQT đang được hưởng cũng như quy định về chế độ phụ cấp cho họ.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác đã thể hiện những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc minh bạch hoá quyền lợi và nghĩa vụ của người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, cần xem xét lại việc quy định một khung phụ cấp cứng cho mọi người đại diện tại mọi loại hình doanh nghiệp. Nếu quy định công ty nhà nước được sử dụng một phần trăm nhất định trong tổng lợi nhuận thu được từ việc đầu tư vào các doanh nghiệp khác để trả thù lao cho người đại diện thì sẽ hợp lý hơn. Đồng thời, cũng cần quy định rõ ràng và hợp lý hơn về chế độ phụ cấp đối với các cán bộ do công ty nhà nước cử thực hiện nhiệm vụ người đại diện phần vốn, tham gia ban kiểm soát, giúp việc HĐQT tại doanh nghiệp khác, nhằm tránh sự bất bình đẳng, bất hợp lý giữa những cán bộ được cử xuống doanh nghiệp khác, tránh sự phân bì, lựa chọn hoặc từ chối nhận nhiệm vụ người đại diện tại doanh nghiệp khác (trong trường hợp doanh nghiệp khác đang thua lỗ chẳng hạn).