PHS: VN-Index thường có phản ứng tích cực sau sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ

PHS: VN-Index thường có phản ứng tích cực sau sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo PHS, nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump có thể khiến cho VN-Index biến động mạnh hơn (như giai đoạn 2016 – 2020) vì các chính sách mang tính bất ngờ của ông. Tuy nhiên, trong dài hạn, PHS vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.

Theo PHS, một điều chắc chắn rằng dù ứng viên nào thắng cử, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục duy trì sự quan tâm đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam. Điều này có thể thấy rõ thông qua các chuyến viếng thăm của các vị Tổng thống Trump và Biden trong năm 2018 và 2023. Tuy nhiên, sự trở lại của ông Trump có thể sẽ mang đến nhiều tác động hơn đối với nền kinh tế Việt Nam so với việc bà Harris lên cầm quyền.

Về thương mại – đầu tư: Ở khía cạnh tích cực, chiến tranh thương mại ngày càng gia tăng lớn mạnh hơn giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ thúc đẩy hơn sự tự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ phía Trung Quốc sang các nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với rủi ro từ các chính sách bảo hộ hàng hóa trong nước và thỏa thuận thương mại khắt the của Mỹ. Cụ thể là việc tăng thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia khác.

Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, hàng dệt may là các sản phẩm chủ đạo xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Lũy kế 9 tháng năm 2024, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm từ 2018 đến 2023 là 15,3%/năm, cao nhất trong 4 đối tác thương mại chính của Việt Nam.

Dù Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ, nền kinh tế Việt Nam đều có thể đón nhận những tác động tích cực nhất định. Tuy nhiên, việc ông Trump lên nắm quyền sẽ tạo ra nhiều tác động hơn ở cả khía cạnh tiêu cực lẫn tích cực. Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc có thể sẽ diễn ra nhanh hơn khi Mỹ áp đặt thuế cao lên các mặt hàng Trung Quốc và tập trung vào mục tiêu giảm phụ thuộc vào quốc gia này. Đánh đổi lại, Việt Nam sẽ gặp nhiều các rủi ro mà hiện tại chúng ta cũng vẫn đang phải đối mặt đó là các chính sách bảo hộ hàng hóa trong nước và các thỏa thuận thương mại khắt khe của Mỹ.

Do đó, nếu ông Trump tái đắc cử, Chính phủ Việt Nam sẽ phải có chính sách, chọn lọc các nguồn vốn đầu tư một cách có hiệu quả. Lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính, công nghệ, có vải trò lan tỏa, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển, đóng góp cho nền kinh tế trong nước thay vì thu hút đầu tư bằng mọi giá. Đồng thời, cần tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát đầu vào, đầu ra của các doanh nghiệp FDI để đảm bảo lợi ích bền vững.

Về vấn đề tỷ giá, thị trường cho rằng rủi ro lạm phát sẽ cao hơn khi ông Trump tái đắc cử, sẽ tác động đến chính sách cắt giảm lãi suất của Fed, kéo theo đồng USD mạnh lên và khiến cho các đồng tiền khác mất giá, trong đó có VND. Chỉ riêng trong tháng 10, DXY đã tăng 3,5%. Điều này đã dẫn đến sự mất giá hàng loạt của các đồng tiền trong khu vực, trong đó có VND.

Tuy nhiên, PHS cho rằng ,động lực tăng trong ngắn hạn của đồng USD sẽ yếu đi sau bầu cử, kể cả khi ông Trump lên nắm quyền; do thực tế, Fed vẫn đang trong xu hướng giảm lãi suất của mình khi lạm phát đã và đang giảm dần về mức mục tiêu.

“Tỷ giá USDVND qua đó dự kiến cũng giảm về mức mục tiêu cuối năm của chúng tôi 25.000- 25.200 đồng/USD”, PHS cho biết.

Khi ông Trump tái đắc cử, nhiều khả năng đồng USD mạnh lên và khiến cho các đồng tiền khác mất giá, trong đó có VND

Khi ông Trump tái đắc cử, nhiều khả năng đồng USD mạnh lên và khiến cho các đồng tiền khác mất giá, trong đó có VND

Trong dài hạn, nhờ kỳ vọng vào các nguồn vốn USD từ đầu tư và thương mại quốc tế cùng với các biện pháp kiểm soát của Chính phủ, tỷ giá cũng sẽ nằm trong biên độ hợp lý, đảm bảo các mục tiêu thúc đẩy kinh tế của Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực thi hiệu quả.

Cuối cùng, đối với thị trường chứng khoán, theo dữ liệu trong quá khứ, VN-Index thường có phản ứng tích cực sau sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ trong ngắn hạn, ngoại trừ năm 2008 do khủng hoảng kinh tế. Nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump có thể khiến cho VN-Index biến động mạnh hơn (như giai đoạn 2016 – 2020) vì các chính sách mang tính bất ngờ của ông. Tuy nhiên, trong dài hạn, PHS vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng. Các tác động bầu cử qua đó chỉ mang tính chất ngắn hạn.

VN-Index thường có phản ứng tích cực sau sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ trong ngắn hạn

VN-Index thường có phản ứng tích cực sau sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ trong ngắn hạn

“Đối với thị trường chứng khoán, trong ngắn hạn, VN-Index sẽ có những phản ứng tích cực khi sự kiện bầu cử kết thúc. Trong dài hạn, chúng tôi cũng vẫn nghiêng về hướng tích cực nhiều hơn nhờ những lợi thế nội tại mà Việt Nam đang sở hữu. Thị trường trong nước sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ các chính sách phù hợp, cùng với vị trí địa chính trị chiến lược và chính sách "ngoại giao cây tre" linh hoạt Việt Nam đã duy trì qua nhiều thế hệ. Những yếu tố này tạo nên nền tảng vững chắc cho thị trường phát triển bền vững trong thời gian tới”, PHS nhận định.

Tin bài liên quan