Tại buổi làm việc với Cục Quản lý cạnh tranh hôm 18/2, đại diện Honda Việt Nam cam kết tiếp tục yêu cầu các đại lý bán hàng phải bán theo giá bán lẻ đề xuất và sẽ công bố trên phương tiện thông tin đại chúng về kế hoạch bán hàng trong tháng 2. Song từ đó đến nay, thông tin về lượng hàng cung ứng ra thị trường cũng chẳng có, còn các đại lý với nỗ lực giải phóng những model cũ của Honda vẫn được tự đưa giá bán xe Lead mỗi nơi mỗi kiểu, mỗi ngày mỗi khác. Cục Quản lý cạnh tranh với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng chỉ có khuyến cáo chung chung là người tiêu dùng nên bình tĩnh, thận trọng và tìm hiểu kỹ hơn các thông tin để tránh bị mua sản phẩm không đúng giá đề xuất của Honda Việt Nam.
Trên đây chỉ là một ví dụ thời sự về việc Luật Cạnh tranh đã được ban hành 5 năm nay mà không đi vào cuộc sống. Trước đó, có thời gian người tiêu dùng cũng hết sức bất bình với việc các nhà sản xuất trong Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) liên kết tăng giá bán hàng mà không hề bị nhắc nhở, xử lý. Tình trạng liên kết làm giá cũng diễn ra khá phổ biến trên thị trường dược Việt Nam mà hiện chưa có "thuốc chữa".
Năm 2008, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành khảo sát mức độ nhận thức của cộng đồng đối với Luật Cạnh tranh, cuộc khảo sát bắt đầu từ ngày 1/11 và kết thúc ngày 31/12 với mục đích đánh giá mức độ nhận biết của cộng đồng, bao gồm khối doanh nghiệp, các hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước, đối với các quy định pháp luật về cạnh tranh. Cuộc khảo sát này được tiến hành tại 3 khu vực: miền Bắc, miền Trung và miền Nam, với cách thức tiến hành phỏng vấn sâu (50 cuộc) và gửi phiếu điều tra (1.000 phiếu).
Sau hơn một tháng tiến hành khảo sát bằng phiếu hỏi qua thư và phỏng vấn trực tiếp, 1.004 bảng hỏi từ các đối tượng khảo sát đã đưa ra một bức tranh, dù chưa đầy đủ, về nhận thức của cộng đồng đối với Luật Cạnh tranh. Về tổng thể, nhận biết mới dừng lại ở mức độ "biết luật cạnh tranh mới ra đời". Các đối tượng được hỏi cũng biết sơ bộ các khái niệm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, số doanh nghiệp hiểu chi tiết về Luật Cạnh tranh như biết về ngưỡng thị phần bị cấm, mức phạt, thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh còn khá khiêm tốn. Khi nhận thức về luật còn chưa cao thì nhận thức về cơ quan quản lý cạnh tranh cũng còn thấp, điều này đã được cuộc khảo sát kiểm chứng. Một lý do chính là do bản thân hoạt động của cơ quan quản lý cạnh tranh còn chưa tạo được nhiều ấn tượng, số lượng vụ việc kết thúc điều tra xét xử rất khiêm tốn và chỉ có cạnh tranh không lành mạnh, chưa xét xử vụ nào hạn chế cạnh tranh, liên kết tăng giá bất hợp lý.
Luật Cạnh tranh bị phớt lờ chỉ là một trong những ví dụ thể hiện điểm yếu của môi trường kinh doanh Việt Nam. Theo ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, vấn đề thực thi pháp luật kém, luật không đi vào cuộc sống… đã nhiều lần được đề cập tại các diễn đàn về môi trường kinh doanh Việt Nam, nhưng qua nhiều năm vẫn chưa được khắc phục. Ngay Luật Doanh nghiệp, đạo luật cơ bản nhất quy định hoạt động của các CTCP cũng bị vi phạm thường xuyên mà cơ quan quản lý trong nhiều trường hợp vẫn không có chế tài gì xử phạt.