Bên cạnh đó, chính quyền Kiev cũng cảnh báo rằng, trái ngược với tuyên bố sẽ làm giảm căng thẳng, Nga vẫn đang dồn 45.000 quân và nhiều xe tăng tới sát biên giới với Ukraine.
Dù vậy, nhà đầu tư không mấy quan tâm tới những cảnh báo này của NATO và Ukraine, mà họ hy vọng rằng, động thái viện trợ nhân đạo của Nga là một hành động làm giảm bớt căng thẳng, nên mạnh dạn giải ngân, giúp phố Wall tiếp tục tăng điểm.
Ngoài ra, việc Mỹ tiếp tục không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở phía Bắc Iraq, giúp quốc gia vùng vịnh này tránh được một thảm họa nhân đạo và việc Israel và Hamas đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza cũng là những thông tin hỗ trợ tâm lý cho giới đầu tư phố Wall.
Một yếu tố nữa cũng hỗ trợ cho phố Wall là cổ phiếu ngành dược, với sự lan tỏa từ cổ phiếu của một số công ty dược phẩm đang nghiên cứu thuốc chữa dịch bệnh Ebola.
Kết thúc phiên 11/8, chỉ số Dow Jones tăng 16,05 điểm (+0,10%), lên 16.569,98 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,33 điểm (+0,28%), lên 1.936,92 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 30,43 điểm (+0,70%), lên 4.401,33 điểm.
Cũng giống như chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng tăng điểm trong phiên đầu tuần mới, thậm chí mức tăng còn mạnh hơn nhiều. Lo ngại về cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine và căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây khiến chứng khoán châu Âu giảm mạnh trong 2 tuần vừa qua, đặc biệt, chứng khoán Đức, nơi có nhiều công lớn làm ăn với Nga đã giảm tới 11% so với mức đỉnh 10.050,98 điểm hồi cuối tháng 6.
Do đó, ngay khi Nga viện trợ nhân đạo cho Ukraine, giới đầu tư tin tưởng đây là động thái làm giảm căng thẳng, bất chấp những cảnh báo từ NATO và Kiev.
Kết thúc phiên 11/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 65,46 điểm (+1,00%), lên 6.632,82 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 171,42 điểm (+1,9%), lên 9.180,74 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 49,89 điểm (+1,20%), lên 4.197,70 điểm.
Tương tự chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán châu Á cũng có phiên giao dịch khởi sắc đầu tuần. Chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng mạnh nhất 4 tháng và lấy lại được gần hết những gì đã mất trong phiên lao dốc không phanh cuối tuần trước. Lý do giúp chứng khoán châu Á tăng mạnh đầu tuần không có gì khác vẫn là thông tin căng thẳng Ukraine và Nga giảm bớt sau động thái của Nga. Ngoài ra, đồng yên giảm mạnh cũng giúp các cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản tăng mạnh, hỗ trợ cho phiên hồi phục của Nikkei 225.
Kết thúc phiên 11/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 352,15 điểm (+2,38%), lên 15.130,52 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 314,61 điểm (+1,29%), lên 24.646,02 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 30,23 điểm (+1,38%), lên 2.224,65 điểm.
Căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu và Trung Đông giảm bớt khiến vai trò trú ẩn của vàng cũng giảm bớt. Ngoài ra, đồng USD tăng nhẹ 0,1% so với rổ tiền tệ gồm 6 đồng tiền mạnh cũng tác động đến giá vàng. Tuy nhiên, trong phiên đầu tuần mới, thị trường vàng không mấy sôi động, giá vàng chỉ lình xình với giao dịch tẻ nhạt.
Mặc dù vậy, giới phân tích vẫn cho rằng, động lực cho vàng đi lên trong những phiên tới là vẫn còn. Đó là căng thẳng địa chính trị dù đã giảm bớt, nhưng chưa giải quyết dứt điểm và có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào. Kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu tiếp tục chậm lại, theo OECD.
Kết thúc phiên 11/8, giá vàng giao ngay giảm 1,2 USD (+0,09%), xuống 1.307,90 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 0,5 USD (-0,04%), xuống 1.310,5 USD/ounce.
Trên thị trường nhiên liệu, giá dầu thô tiếp tục có phiên trái chiều. Trong khi giá dầu thô Mỹ tiếp tục tăng giá, khi lượng lượng dự trữ giảm xuống mức tối thiểu, thì giá dầu thô Brent tiếp tục giảm giá khi sản lượng khai thác ở Iraq vẫn ổn định dù xung đột xảy ra. Mặt khác, việc Mỹ can thiệp vào Iraq với việc không kích phiến quân của Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng làm giảm mối lo về gián đoạn nguồn cung.
Kết thúc phiên 11/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,43 USD (+0,44%), lên 98,08 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,34 USD (-0,32%), xuống 104,68 USD/thùng.