Hàng hóa xuất khẩu của nước rta đã bị điều tra gần 200 vụ việc PVTM với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD.

Hàng hóa xuất khẩu của nước rta đã bị điều tra gần 200 vụ việc PVTM với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD.

Phòng vệ thương mại ảnh hưởng đến 12 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Theo Cục Phòng vệ thương mại, hết tháng 9/2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ kiện phòng vệ thương mại, với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, mâu thuẫn thương mại giữa nhiều nền kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp thì xu thế sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại để bảo hộ sản xuất trên thế giới tiếp tục gia tăng.

Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các biện pháp phòng vệ thương mại đang tác động tới khoảng 1.500 tỷ USD kim ngạch thương mại toàn cầu.

Đối với Việt Nam, cùng với quá trình hội nhập ngày sâu, rộng, kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng nhanh chóng thì các vụ việc phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của ta cũng tăng cả về số lượng và quy mô.

Tính đến hết tháng 9 năm 2020, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD.

"Số lượng và kim ngạch các vụ việc đang tăng nhanh trong thời gian qua. Trong cả năm 2019 mới ghi nhận 16 vụ việc khởi xướng mới nhưng chỉ 9 tháng đầu năm 2020 đã ghi nhận số lượng vụ việc tăng gấp đôi (32 vụ việc)", Cục Phòng vệ thương mại cho biết.

Phần lớn hàng hóa bị điều tra phòng vệ thương mại là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất như kim loại (nhôm, thép dẹt, thép ống), sợi, thủy sản (tôm, cá), gỗ dán, vật liệu xây dựng (gạch, kính, thiết bị vệ sinh), hóa chất,...

Các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Úc, tổng số vụ việc các nước này điều tra đã chiếm tới 62% các vụ việc phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Một diễn biến mới là gần đây các nước ASEAN cũng rất tích cực điều tra phòng vệ thương mại với 38 vụ việc, chiếm tỷ lệ 20%.

Ở chiều ngược lại, Bộ Công Thương đã kịp thời áp dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất nội địa nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Cho đên hết năm 2015, Việt Nam mới chỉ áp dụng được 2 biện pháp phòng vệ đối với mặt hàng dầu ăn và thép không gỉ cán nguội (inox).

Nhưng chỉ trong giai đoạn 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã điều tra và áp dụng 15 biện pháp phòng vệ để bảo vệ hoạt động sản xuất của các ngành sản xuất trong nước, cụ thể là đối với các sản phẩm gồm phân bón DAP/MAP, bột ngọt, các sản phẩm sắt thép như phôi thép, thép dài, thép mạ, thép hình và tôn màu, nhôm thanh định hình, màng BOPP.

Việt Nam cũng đã kháng kiện thành công (không áp thuế, chấm dứt áp dụng biện pháp) đối với 65/151 vụ, chiếm tỷ lệ khoảng 43%.

Nhiều mặt hàng như thủy sản, sắt thép, gỗ, mặc dù bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ bị áp mức thuế 0% hoặc rất thấp, giúp duy trì và tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Canada...

Trước thực trạng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại từ các thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương đã triển khai toàn diện công tác hỗ trợ các ngành sản xuất, xuất khẩu ứng phó với các biện pháp này, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của hàng hóa trong thương mại quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.

Tin bài liên quan