Tính chung kể từ hôm 4/4 cho tới nay, chỉ số VN-Index đã mất gần 11%. Đáng lưu ý là trong phiên giao dịch ngày 26/4, nếu so với mức cao nhất đạt được trong phiên 4/4 thì VN-Index đã có lúc mất tới gần 18%. Trong khi đó chỉ số VN30 đã có thời điểm giảm tới hơn 15% so với mức cao nhất đạt được hôm 7/4.
Thị trường giảm nhanh và mạnh trong 1 tháng qua đã làm rất nhiều nhà đầu tư choáng váng, không kịp trở tay. Trong khi chỉ số chung VN-Index giảm gần 11% thì giá trị danh mục của nhiều nhà đầu tư đã giảm tới 15-20%, thậm chí có mã giảm tới 30-40%.
Trong bối cảnh thị trường biến động tiêu cực như trong thời gian qua, để giảm thiểu thua lỗ, nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm đã chuyển sang sử dụng công cụ chứng khoán phái sinh như là một giải pháp phòng vệ chủ động cho danh mục đầu tư của mình.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, một nhà đầu tư đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán cho biết, theo kinh nghiệm của anh, việc phòng vệ bằng công cụ phái sinh trong những giai đoạn thị trường chứng khoán biến động tiêu cực phù hợp với 2 dạng nhà đầu tư.
Đầu tiên là những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu nhưng không kịp bán khi cổ phiếu giảm rất nhanh, đang chịu mức lỗ lớn và chưa cắt lỗ. Tiếp đó là những nhà đầu tư tham gia bắt đáy cổ phiếu trong những phiên giá giảm sâu, nhưng giá cổ phiếu sau đó vẫn tiếp tục đi xuống.
Việc đặt lệnh Short bao nhiêu hợp đồng để phòng vệ phụ thuộc vào sự biến động của từng cổ phiếu so với VN30 và khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư. Theo kinh nghiệm của anh Tuấn, khi thị trường xấu, cứ 200 triệu đồng đầu tư thì cần Short 1 hợp đồng phái sinh. Ở thời điểm hiện nay, để mở 1 hợp đồng phái sinh nhà đầu tư cần có 20 triệu đồng, như vậy với danh mục đầu tư trị giá 200 triệu đồng thì nhà đầu tư cần dành ra 20 triệu đồng để mở 1 hợp đồng Short phái sinh nhằm phòng vệ cho danh mục của mình.
Nếu danh mục đầu tư của bạn chỉ bao gồm cổ phiếu đầu cơ, có mức biến động giá lớn hơn chỉ số VN30 thì sẽ cần số hợp đồng phái sinh để phòng vệ nhiều hơn, chẳng hạn 100 triệu đồng đầu tư cần Short 1 hợp đồng.
“Cổ phiếu có cơ bản tốt, thị giá đã giảm sâu thì có thể cần ít hợp đồng phái sinh hơn để phòng vệ, 400 triệu Short 1 hợp đồng”, anh Tuấn khuyến nghị.
Để dễ hình dung, anh Tuấn dẫn ra ví dụ: Ngày 21/4/2022 cổ phiếu X có giá 29.000 đồng sau khi đã giảm 30% từ đỉnh giá 42.000 đồng thiết lập ngày 7/3/2022, cổ phiếu Y có giá 65.000 đồng sau khi giảm 38% từ đỉnh 105.000 đồng thiết lập ngày 23/3/2022, chỉ số VN30 đứng ở mức 1.430 điểm, giảm 8% từ mức đỉnh 1.555 điểm thiết lập 2 tuần trước đó.
Nhận thấy thị trường đã giảm sâu, ngày hôm đó nhà đầu tư A muốn bắt đáy số tiền 100 triệu cổ phiếu Y, nhà đầu tư B muốn bắt đáy số tiền 100 triệu cổ phiếu X. Tuy nhiên, do thị trường biến động đi xuống, ngày 25/4 VN30 giảm về mức 1.368 điểm, cổ phiếu X giảm về giá 28.000 đồng, cổ phiếu Y giảm về giá 56.300 đồng. Trong trường hợp không phòng vệ chủ động bằng công cụ phái sinh, nhà đầu tư A bị lỗ 13,4 triệu đồng, còn nhà đầu tư B bị lỗ 3,5 triệu đồng.
Nếu nhà đầu tư A đặt lệnh Short 1 hợp đồng phái sinh khi VN30 ở mức 1.430 điểm để phòng vệ thì tới ngày 25/4 hợp đồng này đã cho mức lãi 6,2 triệu đồng [(1.430 – 1.368)*1*100.000]. Như vậy so với khi không phòng vệ chủ động bằng công cụ phái sinh thì lúc này nhà đầu tư A chỉ còn bị lỗ 7,2 triệu đồng (13,4 triệu – 6,2 triệu).
Tương tự, nếu nhà đầu tư B đặt lệnh Short 1 hợp đồng phái sinh khi VN30 ở mức 1.430 điểm thì tại ngày 25/4 người này cũng có lãi 6,2 triệu đồng từ hợp đồng phái sinh, trong khi hoạt động bắt đáy cổ phiếu X của B lỗ 3,5 triệu đồng. Như vậy trong trường hợp này nhà đầu tư B không những không bị lỗ do cổ phiếu X bị giảm giá mà còn có lãi 2,7 triệu đồng.
“Trong giai đoạn thị trường có nhiều biến động khó lường như hiện nay, từ những lợi ích như đã nói ở trên, nhà đầu tư rất nên dành ra một khoản tiền để đầu tư vào công cụ phái sinh để phòng vệ cho danh mục đầu tư của mình”, anh Tuấn khuyến nghị.