Trong bối cảnh thực phẩm bẩn tràn lan, nhiều người muốn tự trồng rau tại nhà để sử dụng, nhưng với diện tích đất eo hẹp, họ chọn cách trồng rau trên sân thượng. Tuy nhiên, trồng rau trên sân thượng có một vấn đề phát sinh là tưới nước, rồi mưa nhiều cây bị úng, sàn mái bị thấm dột... Có nhiều người dùng phương pháp trồng rau thủy canh và khí canh, nhưng chất lượng rau không ngon bằng trồng trên đất. Nhiều người xây bồn đổ đất trồng cây trên mái, nhưng vướng nhiều kỹ thuật tưới tiêu, chống thấm, ánh nắng và ảnh hưởng đến vẻ đẹp kiến trúc của công trình.
Để giải bài toán này, kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà, Phó viện trưởng Viện Lý học phương Đông chia sẻ những ngôi biệt thự đã thiết kế, với hệ ban công xung quanh nhà là các bồn trồng cây cảnh và ở trên mái là cả vườn rau sạch và có cả cây ăn quả.
Về mặt kỹ thuật xử lý chống thấm được tính ngay từ giai đoạn thiết kế, kỹ thuật trồng cây được chuyên gia nông nghiệp đầu nghành tư vấn, không cần dùng hệ tưới nước tự động mà cây vẫn đủ nước để sống, dù mưa to cũng không sợ ngập úng.
Vậy, trồng cây trên mái có bị ảnh hưởng xấu về phong thủy?
Theo chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, kiêng kỵ là nội trong không gian phòng thờ, đặc biệt là ngay trên khu ban thờ không đổ đất trông cây, còn việc trồng cây, rau ở tầng thượng là điều hoàn toàn bình thường, chẳng ảnh hưởng gì đến phong thủy toàn ngôi nhà. Tuy nhiên, điều quan trọng là khi tính toán về phong thủy, những vị trí trồng cây to được tính theo Mộc trấn, vị trí bồn nước mái và ga cấp thoát nước mái được tính theo Thủy trấn… Những tính toán về phong thủy phải là chuyên gia phong thủy giỏi và cùng phân vị công năng với kiến trúc sư mới tránh bất cập sau này.
Để hiểu biết thêm về quá trình thiết kế biệt thự xanh theo phong thủy, chúng ta cùng xem công trình thực tế do kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà thiết kế, với vị trí khu đất thực tế như sau:
Với hiện trạng lô đất có ba mặt tiền, phương Nam có đường đôi rộng (hướng 180 độ), phương Đông (90 độ) và phương Bắc (0 độ) đường rộng bằng 1/2 phương Nam. Phương Tây, giáp ranh nhà khác. Khu đất nằm trong khu đô thị có kiến trúc cảnh quan và sân vườn đẹp, đối diện là sân vườn khu vui chơi. Chủ đầu tư yêu cầu thiết kế công trình hiện đại, sang trọng, có view từ lớn từ các phòng.
Nhiệm vụ thiết kế: thiết kế theo phong thủy cho gia chủ có mệnh là Đông tứ trạch và có Ngũ hành bản mệnh cần Hỏa và Mộc.
-Tầng hầm: Có diện tích tối đa, nhưng vẫn trồng cây xung quanh nhà được. Để được 2 - 3 ô tô, có phòng giải trí.
- Tầng 1: Phòng khách và phòng ăn liên thông, có không gian mở. Khu bếp nấu độc lập, không bị bay khắp nhà. Có 1 phòng ngủ cho người già, wc khép kín; phòng ngủ nhỏ cho người giúp việc, wc chung tiện dụng cho khánh và giúp việc.
- Tầng 2: Có 1 phòng ngủ master và 2 phòng ngủ khép kín, 1 phòng sinh hoạt chung và là phòng tiếp khách riêng tư có view đẹp.
- Tầng 3: Có 1 phòng thờ, khu phơi và vệ sinh kín đáo, 1 kho, 1 phòng để phục vụ khu ăn ngoài trời. Sân thượng rộng để trồng cây, hoa, cũng là sân để làm khu ăn ngoài trời (BBQ).
Phân tích thế và hướng theo phong thủy Loan đầu
Xét về địa thế toàn khu đất, phương Tây có tường rào và một biệt thự khác; phương Bắc, Đông và Nam đều có đường và thiết kế không xây tường rào đặc, nên địa thế của công trình tính theo phong thủy Loan đầu thì ngôi nhà có thế tựa Tây và hướng Đông. Kết hợp với thông số các hướng của đất, hướng Nam (180 độ), hướng Đông (90 độ), hướng Bắc (0 độ). Chúng ta có đồ hình phong thủy tính theo khu đất như sau:
Từ đồ hình phong thủy ở trên, mới có thể định ra phương vị của cổng - cửa chính - phân khu phòng khách - khu phòng ăn, chọn ra vị trí đặt bếp, vị trí đặt giường ngủ, khu vực đặt wc và cầu thang.
Từ đó mới lên ý tưởng thiết kế mặt bằng các tầng. Sau khi cùng duyệt với gia chủ 2 đến 3 lần, chúng ta có mặt bằng tầng 1 được đặt luôn vào đồ hình phong thủy như sau:
Phân định phương vị cửa ra vào
Với công trình là biệt thự theo phong cách hiện đại, phòng khách và phòng ăn được ngăn với bên ngoài bằng hệ vách cửa kính linh hoạt, nên về mặt phong thủy là ngôi nhà có rất nhiều cửa tiếp xúc với bên ngoài.
Thông thường, biệt thự sẽ mở rất cửa ra vào ở các hướng khác nhau. Điển hình như biệt thự theo hình dưới đây, có đến 3 mặt đều mở cửa, nên định nghĩa theo phong thủy Bát trạch, cửa nào đón khách và đi thường xuyên thì đó là cửa chính là không chuẩn theo phong thủy.
Người ta cũng nói cửa nào rộng hơn thì đó là cửa chính của ngôi nhà cũng không chuẩn theo phong thủy, bởi trong trường hợp này, khu phòng khách và khu bếp có những vách kính trượt mở hết tầm view ra bên ngoài, thì độ rộng hơn nhiều lần so với cửa chính và chủ nhà, khách vẫn đi ra vào tiếp cận với không gian mở bên ngoài.
Khi đặt các vị trí cửa đều phải chọn phương vị tốt, kích thước Lỗ ban theo phong thủy. Với công trình có phong cách hiện đại, thì hệ cửa sổ hoặc vách kính tiếp cận với không gian bên ngoài có diện tích lớn và đương nhiên, vẫn phải tính khoảng thông thủy theo thước Lỗ ban.
Có nhiều người cũng băn khoăn có những phương vị hoặc sơn hướng xấu có nên mở cửa sổ hoặc làm vách kính hay không?
Theo kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà, về nguyên tắc, cung nào vượng thì chúng ta mở cửa thường xuyên để tiếp được khí bên ngoài vào nhà, còn phương vị nào không vượng, chúng ta để các hệ vách kính cố định hoặc không kéo mở thoáng ra. Nếu cứng nhắc trong kiến trúc, thì những công trình, tòa nhà văn phòng được bao bọc bằng kính chẳng nhẽ lại bị xấu về phong thủy?
Khi mở hệ cửa đi và cửa sổ tiếp giáp với bên ngoài sẽ liên đới nhiều tới phong thủy tính về khí. Bởi trong phong thủy, người ta cũng có một trường phái gọi là luận về khí (sẽ bàn kỹ ở một bài viết khác). Cửa ngoài việc có giá trị về mỹ thuật kiến trúc, còn giúp công trình lưu thông khí tốt, cấp khí tươi cho ngôi nhà, không có những khu vực đọng khí tù thì còn giúp cho con người trong đó không bị bí bách và tránh được các bệnh hô hấp do các hệ vi khuẩn tồn đọng gây ra.