Phong thuỷ: Phòng vệ sinh, lấy hung đè hung

Phong thuỷ: Phòng vệ sinh, lấy hung đè hung

(ĐTCK) Đối với phòng vệ sinh, các kiến trúc sư thường thiết kế ở vị trí kín đáo và không đối diện với cửa nhà hay bất kỳ cửa phòng nào khác. Tuy nhiên, theo lý luận phong thuỷ, có rất nhiều điểm nên và không nên khi thiết kế phòng này.

Trước hết, phòng vệ sinh là nơi tạo ra nước và khí bẩn, dễ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Nhìn chung, phòng vệ sinh đặt tại phương vị nào cũng bất lợi. Theo lý luận phong thuỷ phái Bát trạch, nếu phòng vệ sinh đặt tại phương Đông sẽ ảnh hưởng đến gia đạo (cung Gia đạo định vị tại hướng Đông) và con trai trưởng (phương Đông đại diện cho con trai trưởng); đặt tại phương Tây sẽ ảnh hưởng đến con cái, đặc biệt là con gái út; đặt tại phương Nam sẽ ảnh hưởng đến danh vọng và con gái thứ; đặt tại phương Bắc sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp và con trai thứ; đặt tại phương Đông Bắc sẽ ảnh hưởng đến kiến thức và con trai út; đặt tại phương Tây Nam sẽ ảnh hưởng đến tình duyên và người mẹ; đặt tại phương Đông Nam sẽ ảnh hưởng đến tài lộc và con gái trưởng; đặt tại phương Tây Bắc sẽ ảnh hưởng đến người cha và sự “hỗ trợ” từ bên ngoài (Tây Bắc là cung Quý nhân).

Phòng vệ sinh đặt tại giữa nhà là xấu nhất, vì đây là vị trí trung tâm, là “thái cực”, là nơi sinh khí ngưng tụ. Đặt phòng vệ sinh tại đây không những làm tổn hại đến trạch vận, mà khí xấu từ phòng này sẽ toả ra khắp nhà, làm ô nhiễm khí trường, đó là chưa kể việc thông gió, lấy ánh sáng tự nhiên gặp khó khăn.

Trong bài viết kỳ 4, Đầu tư Bất động sản có giới thiệu các phương vị tốt xấu trong căn nhà đối với từng mệnh quái chủ nhà. Theo đó, phòng vệ sinh kị đặt tại phương vị tốt, thích hợp đặt ở phương vị xấu là Lục sát, Họa hại, Ngũ quỷ và Tuyệt mệnh, nhằm “lấy hung đè hung”. Tuy chọn được các vị trí này, nhưng sẽ kém tốt nếu ngũ hành của phòng vệ sinh không hài hoà với ngũ hành của phương vị.

Phòng vệ sinh có ngũ hành là Thuỷ, nếu đặt ở phía Bắc (thuộc Thuỷ) sẽ làm tăng tính Thuỷ, làm tiêu hao tinh lực của người sống trong nhà; nếu đặt ở phía Đông Bắc hoặc Tây Nam thì Thuỷ khí sẽ phá hoại năng lượng Thổ ở hai phương vị này; nếu đặt ở phía Nam sẽ tương xung với năng lượng Hoả ở phương vị này; nếu đặt ở phía Tây Bắc sẽ làm suy yếu năng lượng Kim ở phương vị này. Hai phương vị còn lại là Đông và Đông Nam thích hợp để đặt phòng vệ sinh, vì hai phương này có ngũ hành là Mộc, Thuỷ khí của phòng vệ sinh sẽ sinh vượng cho khí vận ở đây.

Mặc dù vậy, 4 phương vị xấu là Lục sát, Họa hại, Ngũ quỷ và Tuyệt mệnh vẫn được coi là phù hợp nhất để đặt phòng vệ sinh, nhưng cần tránh đặt tại trung cung và gần cửa chính. Ngoài ra, phòng vệ sinh cần tránh đặt tại phương vị đối xung với sinh tiêu của chủ nhà.

Cụ thể, người tuổi Tý tránh đặt phòng vệ sinh ở hướng Nam, người tuổi Sửu tránh hướng Đông Bắc hơi thiên về Bắc, người tuổi Dần tránh hướng Đông Bắc thiên về Đông, người tuổi Mão tránh hướng Đông, người tuổi Thìn tránh hướng Đông Nam thiên về Đông, người tuổi Tỵ tránh hướng Đông Nam thiên về Nam, người tuổi Ngọ tránh hướng Nam, người tuổi Mùi tránh hướng Tây Nam thiên về Nam, người tuổi Thân tránh hướng Tây Nam thiên về Tây, người tuổi Dậu tránh hướng Tây, người tuổi Tuất tránh hướng Tây Bắc thiên về Tây, người tuổi Hợi tránh hướng Tây Bắc thiên về Bắc.

Lưu ý, trong tất cả các trường hợp, nếu là nhà tầng thì phòng vệ sinh không được đặt bên trên phòng bếp, phòng ngủ, phòng khách, phòng thờ, phòng đọc sách, nếu không tránh được thì cần tránh bồn cầu chiếu thẳng xuống vị trí của bếp nấu hoặc vị trí thường xuyên sử dụng của con người ở phía dưới. Ngược lại, bàn thờ, bếp nấu, giường ngủ, ghế sofa, bàn học không nên đặt phía trên nhà vệ sinh.

Đó là xét về vị trí, những điểm nên và không nên đối với nhà vệ sinh còn được xét ở nhiều khía cạnh khác như mức độ thông khí, ánh sáng, màu sắc, chất liệu và bố cục của các thiết bị trong phòng.

Về cơ bản, phòng vệ sinh cần có cửa sổ hoặc quạt thông gió để đảm bảo yếu tố thông khí, sự khô ráo; cần cửa sổ hay gạch kính và đèn để đảm bảo đủ ánh sáng; cần sạch sẽ, ngăn nắp để hạn chế năng lượng xấu; cần tươi sáng để âm khí không nặng nề; mặt sàn cần độ dốc và thấp hơn các phòng khác để thoát nước tốt và tránh nước tràn ra ngoài; gạch lát sàn nên nhẵn bóng, nhưng không trơn; cần ngăn cách phòng tắm với phần còn lại trong phòng vệ sinh; gương trong phòng nên có hình vuông, elip hoặc tròn và không nên đối diện với bồn cầu hoặc cửa phòng.

Đối với bồn cầu, khi không sử dụng thì nên đậy nắp lại để giảm bớt xú khí. Bồn cầu nên được đặt sát tường và vuông góc với cửa phòng. Hướng bồn cầu cần tránh trùng với hướng nhà và hướng Nam (vì Thuỷ Hoả tương xung). Đặc biệt, bồn cầu cần tránh đối diện với cửa, nhằm đảm bảo tính kín đáo, thẩm mỹ, đồng thời giảm mức độ phát tán khí xấu từ bồn cầu ra bên ngoài.

>> Phong thủy: Phòng khách, đặc điểm các phương vị