Nhiều chuyên gia đã bắt đầu lên tiếng cảnh báo các cơ quan quản lý cần theo dõi chặt chẽ làn sóng thâu tóm doanh nghiệp của doanh nghiệp nước ngoài, vốn đang trở thành mối lo ngại của nhiều quốc gia trên thế giới trong bối cảnh dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp trong nước bị tổn thương, chịu những sức ép về tài chính.
Tại Việt Nam, cẩn trọng sớm không phải là thừa, khi mà trước đại dịch, thị trường M&A trong nước có sức hấp dẫn lớn, nhiều nhà đầu tư quốc tế muốn tìm đến để mua lại doanh nghiệp, khai thác thị trường 100 triệu dân và tăng sự hiện diện của mình.
Trong sự quan tâm của vốn ngoại, có hai loại đối tượng được nhắm tới nhiều nhất. Thứ nhất là các doanh nghiệp lớn dẫn đầu trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế như cơ sở hạ tầng, công nghiệp, tiêu dùng bán lẻ… Thứ hai là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có tiềm năng nhưng bị suy yếu, kiệt quệ về tài chính bởi tác động từ dịch Covid-19. Theo đó, nhà quản lý cần theo dõi sát sao để đánh giá những tác động hiện hữu và dài hạn, nếu vốn ngoại hướng mạnh vào các đối tượng này.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kể từ đầu năm đến ngày 20/4/2020, nhà đầu tư ngoại đã chi 2,5 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam qua hình thức góp vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp nội, bằng 34,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy giảm về số vốn, nhưng số lượt góp vốn mua cổ phần lại tăng tới 33%, với hơn 3.000 lượt góp vốn.
Dẫn đầu việc mua lại cổ phần của các doanh nghiệp trong nước là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc với 1.042 lượt góp vốn, tổng giá trị đầu tư là 356 triệu USD. Tuy nhiên, nếu xét về tổng vốn mua cổ phần thì Nhật Bản lại là nước đi đầu. Thực hiện gần 300 lượt góp vốn, song các doanh nghiệp Nhật lại chi tới 743 triệu USD để đầu tư vào doanh nghiệp trong nước. Cùng thời kỳ, các doanh nghiệp Trung Quốc có tới 557 lượt góp vốn mua cổ phần với số vốn 230 triệu USD.
Góp vốn, mua cổ phần tại nhiều doanh nghiệp hơn nhưng quy mô rót vốn mỗi thương vụ lại khá nhỏ (gần 800.000 USD/lượt góp vốn) là một diễn biến mới trong dòng chảy vốn ngoại vào doanh nghiệp Việt. Diễn biến này khiến lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài nhận thấy, rất cần theo dõi một cách chặt chẽ và cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động cảnh báo về tình trạng này cũng như đã có báo cáo Chính phủ về nguy cơ thâu tóm doanh nghiệp nội giá rẻ.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận một số thương vụ như sáp nhập cùng lúc CTCP Cáp điện Thịnh Phát (ThiPha Cable) và CTCP Kim loại màu và Nhựa Đồng Việt (Dovina) với Tập đoàn Stark Corporation Public
Company Limited và Phelps Dodge
International (Thái Lan). Tập đoàn Stark đã bỏ ra 240 triệu USD để thực hiện thương vụ, trở thành thương vụ có giá trị giao dịch lớn nhất của tập đoàn này trong vòng 3 năm qua.
Quỹ Ardolis Investment Pte Ltd thuộc Quỹ Chính phủ Singapore (GIC) hoàn tất mua vào gần 39 triệu cổ phiếu CTCP Tập đoàn Masan (MSN) với giá trị gần 100 triệu USD. Với việc hoàn tất giao dịch này, nhóm GIC đã nâng mức sở hữu tại Masan lên 152,27 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 13,03%. Ngoài Masan, nhóm GIC hiện cũng đang là cổ đông lớn tại Vingroup và Vinhomes, đều là những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Việt Nam.
Trước đó, có một số thương vụ mua cổ phần chi phối hoặc mua lại các dự án trong lĩnh vực năng lượng mặt trời của các nhà đầu tư Thái Lan và Hàn Quốc với giá trị từ vài chục đến 500 triệu USD.