“Phòng khám đa khoa Tâm Đức (Bình Phước) có dấu hiệu lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế“

“Phòng khám đa khoa Tâm Đức (Bình Phước) có dấu hiệu lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế“

(ĐTCK) Chiều 29/8, trong Hội nghị cung cấp thông tin thường kỳ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, sau khi cùng Bộ Y tế kiểm tra hoạt động Phòng khám đa khoa Tâm Đức (tỉnh Bình Phước), Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận thấy, phòng khám có nhiều vi phạm, có biểu hiện lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế.

Nhiều vi phạm trong hoạt động khám, chữa bệnh

Trước đó, vào tháng 5/2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có công văn yêu cầu Bảo hiểm y tế tỉnh Bình Phước tạm dừng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại phòng khám đa khoa này.

Được biết, ban đầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam ghi nhận thông tin phản ánh Phòng khám đa khoa Tâm Đức thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa đúng quy định qua các kênh báo chí.

Sau đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Phước báo cáo cụ thể tình hình, qua đó cho thấy phòng khám này có một số nội dung thực hiện chưa đúng quy định.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, để công tác Khám chữa bệnh và thanh toán chi phí bảo hiểm y tế thực hiện đúng quy định, ngăn chặn kịp thời tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế (nếu có), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thanh tra tại Phòng khám đa khoa Tâm Đức.

Tuy nhiên, cơ sở khám chữa bệnh này đã phản ứng, lên tiếng cho rằng Bảo hiểm xã hội Việt Nam không khách quan.

Trước sự việc này, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định, Phòng khám đa khoa Tâm Đức có nhiều sai phạm nghiêm trọng và việc tạm dừng là cần thiết.

Từ ngày 3-7/7/2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tham gia Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế tiến hành kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật tại Phòng khám đa khoa Tâm Đức.

Sau cuộc kiểm tra, ngày 9/8/2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản số 3356/BHXH-CSYT gửi Đoàn kiểm tra nêu rõ một số sai phạm chủ yếu của phòng khám này.

Trong đó riêng hoạt động tổ chức khám chữa bệnh, Phòng khám đa khoa Tâm Đức có 6 vi phạm. Cụ thể, Giấy phép hoạt động của Phòng khám không có khám, chữa bệnh về phục hồi chức năng, cũng không có bác sỹ có chứng chỉ về lĩnh vực này. Nhưng phòng khám vẫn thực hiện chỉ định, điều trị các dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng với số lượng lớn, chi phí nhiều.

Việc này vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 6, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và văn bản hướng dẫn dưới luật.

Theo quy định của Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi này có thể bị xử phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng và bị tước giấy phép hoạt động trong thời gian từ 3 - 6 tháng.

Để thu hút người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế đến khám chữa bệnh, cơ sở này đã khuyến mại, không thu tiền cùng chi trả của người bệnh (vi phạm quy định tại Điểm d, đ Khoản 1 Điều 22 Luật bảo hiểm y tế)

Kể từ khi được cấp phép hoạt động (ngày 31/3/2013) đến thời điểm kiểm tra, Phòng khám ký hợp đồng với nhiều bác sỹ nhưng không đăng ký hành nghề khám chữa bệnh có phê duyệt của Sở Y tế (vi phạm quy định tại Thông tư số 41/2011/TT-BYT.

Như vậy, chi phí khám chữa bệnh của các bác sỹ không đăng ký hành nghề không thuộc trách nhiệm chi trả của Bảo hiểm xã hội.

Một số bác sỹ khám chữa bệnh vượt quá phạm vi ghi trên giấy phép hành nghề. Có bác sỹ nội khoa nhưng khám Tai Mũi Họng, khám chuyên khoa mắt, chỉ định dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng  điều trị bằng tia hồng ngoại, kéo nắn cột sống...

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 30 -40 triệu đồng.

Tại phòng khám có bác sỹ đăng ký khám chữa bệnh ngoài giờ nhưng lại ký toàn bộ các hồ sơ khám trong giờ hành chính. Thực tế, bác sỹ thực hiện khám trong giờ hành chính là các bác sỹ chưa có chứng chỉ hành nghề.

Việc này, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cố ý làm sai lạc hồ sơ, giả mạo danh tính người thực hiện. Đây là hành vi bị cấm theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Năm 2016, Phòng khám ký hợp đồng thực hành khám chữa bệnh với 4 bác sỹ, trên 10 y sỹ. Năm 2017 là 2 bác sỹ và 15 y sỹ. Các bác sỹ, y sỹ này đều chưa được cấp chứng chỉ hành nghề. Sau đó, phòng khám ký giấy chứng nhận thời gian thực hành cho các bác sỹ, y sỹ này và ký hợp đồng thực hành khám chữa bệnh.

Việc này là không đúng thẩm quyền. Theo quy định, các bác sỹ , y sỹ phải thực hành tại bệnh viện, không phải phòng khám.

Có biểu hiện lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế

Qua kiểm tra, Bảo hiểm xã hội cho biết, Phòng khám đã mua thuốc của Nhà thuốc Cộng hòa (phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) để cấp cho người bệnh bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Dược thì nhà thuốc chỉ có chức năng bán lẻ, phòng khám mua thuốc bán lẻ về cấp cho người bệnh bảo hiểm y tế là không đúng quy định.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng nhận thấy, cơ cấu chi phí tại Phòng khám bất hợp lý, có dấu hiệu lạm dụng quỹ Bảo hiểm xã hội. Chi phí Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao tại Phòng khám đa khoa Tâm Đức từ quý III/2016 gấp 10 lần so với quý I/2016.

Chi tiền thuốc rất ít, chỉ chiếm 9%. Chủ yếu là chi dịch vụ kỹ thuật. Riêng tiền thủ thuật chiếm 78% tổng chi phí, tập trung ở dịch vụ kỹ thuật y học cổ truyền, phục hồi chức năng và hàn răng.

Ngoài ra, Sở Y tế Bình Phước cấp chứng chỉ hành nghề cho 3 bác sỹ không đúng. Theo quy định, bác sỹ phải có thời gian thực hành 18 tháng tại bệnh viện. Nhưng có 1 bác sỹ chưa có đủ thời gian thực hành 18 tháng và 2 bác sỹ không thực hành tại bệnh viện vẫn được cấp chứng chỉ hành nghề.

Trước những vi phạm này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Đoàn kiểm tra tổng hợp, đưa vào thông báo kết luận sau kiểm tra và đề nghị Sở Y tế Bình Phước xử phạt, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động theo đúng quy định.

Tin bài liên quan