Đơn cử, Chung cư Ngọc Phương Nam (quận 8, TP.HCM) trong gần 2 năm qua vẫn chưa nghiệm thu hệ thống PCCC. Hậu quả là tháng 2/2018, một căn hộ bị cháy ở phòng bếp, nhưng hệ thống báo cháy hoàn toàn "tắt tiếng" cho đến khi khói bốc nghi ngút ra bên ngoài, bảo vệ tòa nhà mới phát hiện và dập tắt.
Còn theo phản ánh của cư dân tại Chung cư Topaz City (quận 8, TP.HCM), vào sáng 26/6 vừa qua, thang máy của tòa nhà bỗng dưng ngừng hoạt động và quạt hút gió thì chạy vù vù.
Theo các chuyên gia về PCCC, đây là dấu hiệu cho thấy, hệ thống báo cháy của chung cư báo hiệu có sự cố liên quan đến cháy nổ. Tuy nhiên, khi chuông báo cháy vang lên, thì bảo vệ của tòa nhà đã lập tức ngắt chuông. Nếu có cháy thật, bảo vệ mới chạy xuống mở chuông báo cháy. Đáng chú ý, những cư dân ở Block A2 Chung cư Topaz City đã sống chung với tình trạng tòa nhà không có hệ thống PCCC trong suốt thời gian qua.
Việc chung cư không có hệ thống PCCC khiến người dân hoang mang là điều hiển nhiên, nhưng tại Chung cư CitiHome (quận 2, TP.HCM), mặc dù có hệ thống PCCC, nhưng các “thượng đế” vẫn luôn phải thấp thỏm. Lý do là chuông báo cháy tại đây thường xuyên reo mà cư dân không biết là cháy thật hay giả, chỉ thấy tiếng chuông báo cháy bị tắt đi, mà không có sự giải thích của ban quản lý tòa nhà.
“Cháy ở đâu thì không biết, nhưng khi chuông báo cháy reo thì ai cũng hoang mang. Cả tầng mở cửa nhốn nháo nhìn nhau, đến khi hết chuông ai lại vào nhà nấy, mà không hiểu chuyện gì xảy ra. Đã nhiều lần chúng tôi đề nghị ban quản lý tòa nhà kiểm tra hệ thống báo cháy, nhưng vẫn chưa được giải quyết”, anh Tuấn - cư dân tại CitiHome nói.
Nghiêm trọng hơn, những lỗ hổng trong công tác PCCC tại Chung cư Samland Riverview đã được Đoàn kiểm tra Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ quận Bình Thạnh (TP.HCM) chỉ rõ và yêu cầu phía chủ đầu tư là Công ty cổ phần Địa ốc Sacom (Samland) khắc phục trước ngày 25/5/2018, nhưng đến nay mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Cần biện pháp xử lý cứng rắn hơn
Vừa qua, cộng đồng cư dân sống tại các chung cư lại được phen bàn tán xôn xao xung quanh việc trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp để bán và cho thuê Discovery Complex tại số 302 Cầu Giấy (Hà Nội) do Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Cầu Giấy làm chủ đầu tư bị Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội và Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội tạm ngừng cấp điện, nước.
Lý do là bởi Discovery Complex vi phạm hàng loạt quy định về PCCC. Tuy nhiên, sau 2 tháng bị kiểm tra, nhắc nhở, thậm chí phạt vi phạm hành chính, đến nay, 30 lỗi về PCCC của Discovery Complex vẫn chưa được khắc phục. Và đáng nói hơn, tuy công trình chưa được nghiệm thu về an toàn PCCC, nhưng chủ đầu tư vẫn cho dân vào ở.
Chia sẻ quan điểm của cá nhân về vấn đề này, anh Phi, một cư dân hiện đang sinh sống tại quận 9 (TP.HCM) cho rằng, việc xử lý chủ đầu tư khi vi phạm là xác đáng, nhưng nếu cắt điện và nước thì chỉ làm cho cư dân thêm phần khó khăn, chứ ít tác động đến chủ đầu tư.
“Tại sao cơ quan chức năng không mạnh mẽ, kiên quyết hơn trong việc buộc chủ đầu tư tạm di dời dân ra khỏi công trình không bảo đảm an toàn về PCCC. Còn việc di dời đi đâu, chi phí ở tạm như thế nào thì tất nhiên chủ đầu tư phải gánh chịu. Nếu xử lý như hiện tại thì người dân không những không được an cư, mà ngược lại, phải sống trong môi trường đầy ẩn họa về cháy nổ”, anh Phi nói.
Đồng quan điểm, chị Thảo - cư dân tại Chung cư The Art Gia Hòa (quận 9, TP.HCM) cũng cho rằng, hỏa hoạn có thể ập đến bất cứ lúc nào đối với một công trình không bảo đảm các điều kiện về PCCC và có thể gây ra hậu quả nặng nề. Chính vì thế, biện pháp bảo đảm an toàn cao nhất cho sức khỏe và tính mạng người dân là phải cách ly họ ra khỏi môi trường sống không bảo đảm đó.
"Đối với những công trình cố tình vi phạm, các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại cần mạnh tay hơn nữa, không chỉ buộc chủ đầu tư di dời cư dân, mà còn phải phong tỏa tòa nhà không cho hoạt động cho đến khi được xác nhận an toàn về PCCC", chị Thảo nêu ý kiến.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com