“Phơi sáng” những khối tài sản “tối” liên quan Trương Mỹ Lan - Bài 5: Kẻ khóc, người cười sau phán quyết về khối tài sản “tối”

0:00 / 0:00
0:00
Ngay sau khi phiên tòa xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II kết thúc, thì bùng lên thông tin Dự án The Spirit of Saigon vừa hoàn tất chuyển giao sang chủ mới.
Dự án của Công ty Vina Yến bị Tân Thành Long An thế chấp sổ đỏ và đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa được nhận lại sổ.

Dự án của Công ty Vina Yến bị Tân Thành Long An thế chấp sổ đỏ và đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa được nhận lại sổ.

Bài 5: Kẻ khóc, người cười sau phán quyết về khối tài sản “tối”

Ngay sau khi phiên tòa xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II kết thúc, thì bùng lên thông tin Dự án The Spirit of Saigon vừa hoàn tất chuyển giao sang chủ mới. Phán xử cuối cùng về Dự án Khu công nghiệp - đô thị Việt Phát liên quan Công ty Tân Thành Long An cũng khiến chủ doanh nghiệp Vina Yến… bần thần.

Hoàn tất chuyển nhượng The Spirit of Saigon trước phán xử

Như đã đề cập ở bài trước, sau thỏa thuận giữa Bitexco và Trương Mỹ Lan năm 2015 về việc mua bán Dự án The Spirit of Saigon (siêu dự án khu Tứ giác Bến Thành) với giá 22.000 tỷ đồng (bà Lan đã nhận gần 16.000 tỷ đồng), Công ty Saigon Glory được lập ra để làm chủ đầu tư Dự án.

Doanh nghiệp này “mang tiếng” là của Bitexco, song bà Lan đã đưa người của mình vào để điều hành, đó là ông Trịnh Quang Công (Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý Acumen, thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát), nắm giữ 30% tỷ lệ vốn góp của Saigon Glory.

Nhưng, hai bên chưa thực hiện thủ tục chuyển giao công ty, nên trên danh nghĩa, Saigon Glory vẫn là của Bitexco.

Vì vậy, tại phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II, đại diện Bitexco và Trương Mỹ Lan đều đề nghị Tòa “chấp nhận thỏa thuận giữa Tập đoàn và các bên liên quan về phương án chuyển giao toàn bộ Dự án cho Công ty Bất động sản Phương Đông Hà Nội”.

Nhưng tại buổi tuyên án (ngày 17/10/2024), Hội đồng xét xử chỉ phán: “Xét thấy liên quan đến dự án này còn nhiều tài liệu chưa được làm rõ, còn mâu thuẫn với lời khai của bị cáo Lan, nên chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật”.

Ngay sau phán xử, bùng ra thông tin, Dự án The Spirit of Saigon vừa hoàn tất giao dịch chuyển từ Bitexco sang Công ty Bất động sản Phương Đông Hà Nội. Điều này gây ngạc nhiên cho dư luận. Tuy nhiên, tại Tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi cho Bitexco có nêu: “Công ty Saigon Glory đã được gỡ ngăn chặn”. Như vậy, có thể vì đã được gỡ ngăn chặn, nên các bên mới không bị ngăn chặn giao dịch mới này (?).

Theo hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, việc hoàn tất chuyển nhượng Dự án The Spirit of Saigon sang Công ty Bất động sản Phương Đông Hà Nội vào ngày 9/10/2024, khi phiên tòa xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II đang ở giai đoạn các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo tranh luận.

Cụ thể, theo công bố nội dung thay đổi doanh nghiệp ngày 9/10/2024 của Công ty Saigon Glory, thì doanh nghiệp này đã thay đổi 2 vị trí quan trọng nhất. Chủ tịch Hội đồng Thành viên đổi từ ông Vũ Quang Bảo (còn là Tổng giám đốc Bitexco) sang ông Trần Thanh Tú (thường trú tại Hà Nội) và Tổng giám đốc đổi từ ông Trịnh Quang Công sang bà Nguyễn Thị Hải (thường trú tại TP.HCM).

Trước đó, ngày 4/10/2024, chủ Công ty Saigon Glory không còn là Bitexco, thay vào đó là Công ty Bất động sản Phương Đông Hà Nội. Doanh nghiệp này ủy quyền các phần vốn tại Công ty Saigon Glory cho 3 cá nhân gồm: ông Trần Thanh Tú (2.100 tỷ đồng); bà Trần Thị Minh Hiếu (2.800 tỷ đồng) và ông Nguyễn Anh Đức (2.200 tỷ đồng).

Một vòng đổi chủ, sang tên

Theo Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam (đơn vị thành viên của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam), thì Công ty Bất động sản Phương Đông Hà Nội là chủ đầu tư Dự án Masteri West Heights (Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Mới đây, Công ty Bất động sản Phương Đông Hà Nội đã nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của Tập đoàn Bitexco tại Saigon Glory, chủ đầu tư “siêu” dự án tứ giác Bến Thành (The Spirit of Saigon).

Năm 2022, trên hàng rào bao quanh công trường Dự án thay tên chủ đầu tư thành Công ty Viva Land và trên website của Vina Land cũng chính thức bổ sung dự án này vào danh mục các dự án mà Công ty đang triển khai. Chủ mới đã đổi tên Dự án One Central HCM thành Pearl.

Công ty Viva Land là doanh nghiệp được Trương Mỹ Lan dùng để đưa 147 triệu USD mua cổ phần của Công ty Amaland tại Singapore nhằm sở hữu Dự án Khu tái định cư - khu đô thị Sing Việt (huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Sau đó, khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, thông tin Công ty Viva Land trên hàng rào Dự án được tháo xuống. Đồng thời, trên website của công ty này, thông tin về hàng loạt dự án, trong đó có Dự án nêu trên, cùng… biến mất.

Tới tháng 11/2022, hình ảnh cùng tên gọi cũ của Dự án xuất hiện trở lại chủ cũ Bitexco.

Như vậy, sau một vòng đổi chủ, sang tên, Dự án trở lại tên ban đầu là The Spirit of Saigon và được chuyển từ chủ cũ là Bitexco sang Công ty Bất động sản Phương Đông Hà Nội.

Vina Yến “khóc” vì Tân Thành Long An

Khối tài sản thứ 2 liên quan nhiều doanh nghiệp là Dự án Khu công nghiệp - đô thị Việt Phát, do Công ty Tân Thành Long An là chủ đầu tư.

Theo phán quyết của Hội đồng xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II, thì Dự án đã được xác định là của Trương Mỹ Lan bán 100% cổ phần với giá 30.000 tỷ đồng cho bà Võ Thị Kim Khoa. Hiện bà Khoa là đại diện pháp luật và chủ sở hữu của Công ty Tân Thành Long An.

Hội đồng xét xử chuyển C03 tiếp tục làm rõ các vấn đề liên quan dự án này, bởi liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần, bị cáo Lan và bà Khoa chưa xác định được nghĩa vụ khác tồn đọng để thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận chung.

Như vậy, theo ông Lâm Trúc Nhỏ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vina Yến, sau nhiều năm ròng rã, doanh nghiệp lại phải tiếp tục chờ, thì mới biết quyền lợi của mình ra sao.

Bởi trước khi bán Tân Thành Long An cho bà Khoa, Trương Mỹ Lan đã cho “tay chân” thế chấp 2 “sổ đỏ” với hơn 52.600 m2 đất (bao gồm 51.600 m2 mà Công ty Vina Yến được cấp sổ đỏ) trong Khu công nghiệp Việt Phát để đảm bảo cho hàng chục công ty khác vay hơn 33.000 tỷ đồng tại SCB.

Sau phán quyết của Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tỉnh Long An, Chi cục Thi hành án huyện Thủ Thừa đã nhiều lần yêu cầu Tân Thành Long An phải giao lại cho Công ty Vina Yến 2 “sổ đỏ” khu đất 51.600 m2, bởi SCB cho hay, các khoản vay đã giải chấp.

Thậm chí, tháng 4/2024, Chi cục Thi hành án huyện Thủ Thừa lập đoàn cưỡng chế, nhưng bà Võ Thị Kim Khoa vẫn không tới làm việc để trao trả “sổ đỏ”.

“Có được sổ đỏ, doanh nghiệp mới có thể vay vốn ngân hàng, trả nợ, mở rộng sản xuất - kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động, nhưng… Trong suốt 7 năm qua, Vina Yến đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng vào Dự án Nuôi và chế biến sản phẩm từ yến. Do những vướng mắc trên, công việc sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn, hàng trăm công nhân đứng trước nguy cơ mất việc làm… Doanh nghiệp thì phải chịu lãi suất chất chồng, vì chưa có tiền trang trải nợ nần”, ông Nhỏ nói.

TRÁI CHỦ DÍNH TÀI SẢN “TỐI” BẤT AN

Liên quan các trái chủ không được là bị hại của vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II, Tòa án Nhân dân TP.HCM kiến nghị TVSI, SCB và các công ty phát hành trái phiếu có phương án thanh toán nợ gốc và lãi cho các nhà đầu tư mua các mã trái phiếu Vạn Trường Phát, Bông Sen, Tân Thành Long An, Quang Thuận (mã QT.H2025), Thiên Phúc (THP.H2025); kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội giám sát, đôn đốc việc thực hiện thanh toán nghĩa vụ các gói trái phiếu trên.

Trái chủ 2 gói trái phiếu Vạn Trường Phát và Tân Thành Long An chỉ chờ doanh nghiệp trả tiền. Vấn đề là Vạn Trường Phát đã “biến mất” sau khi Trương Mỹ Lan bị bắt, thì nguồn nào để thanh toán. Tình thế này buộc Tân Thành Long An vì thế chấp đất cho mình và bảo lãnh cho Vạn Trường Phát phát hành 15.000 tỷ đồng trái phiếu, thì phải chịu trách nhiệm trả hoặc thanh lý tài sản thế chấp để trả trái chủ, nếu không có nguồn chi trả.

Vấn đề là, với phán quyết của Tòa (chuyển C03 tiếp tục làm rõ các vấn đề liên quan), cũng đồng nghĩa, không chỉ trái chủ trái phiếu Tân Thành Long An, Vạn Trường Phát, mà cả trái chủ trái phiếu Bông Sen cũng phải chờ.

TRÁI CHỦ ĐƯỢC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI CẦN CHUẨN BỊ GÌ ĐỂ LẤY TIỀN

Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên buộc Trương Mỹ Lan bồi hoàn cho gần 36.000 bị hại là trái chủ với tổng số tiền hơn 30.000 tỷ đồng.

Theo các luật sư, trường hợp bản án có hiệu lực, các bị hại có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác, hoặc ủy quyền cho luật sư để yêu cầu thi hành án.

Trái chủ cần chuẩn bị hồ sơ gồm: đơn yêu cầu thi hành án dân sự; giấy tờ tùy thân của người yêu cầu; bản án có hiệu lực pháp luật gửi đến Cơ quan thi hành án.

Theo các quy định, bị hại có quyền yêu cầu thi hành án trong thời hạn là 5 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực. Trường hợp bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nhưng được thi hành ngay, thì thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự vẫn được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Trong trường hợp do sự kiện bất khả kháng dẫn đến việc không thể yêu cầu thi hành án trong thời hiệu quy định trên, đương sự có quyền đề nghị cơ quan thi hành án xem xét, quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thi hành án.

Tin bài liên quan