Người dân mua trái phiếu Vạn Trường Phát kêu cứu khắp nơi.

Người dân mua trái phiếu Vạn Trường Phát kêu cứu khắp nơi.

“Phơi sáng” những khối tài sản “tối” liên quan Trương Mỹ Lan - Bài 2: Thương vụ M&A 30.000 tỷ đồng liệu có “trọn gói”

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều tình tiết cần được làm rõ liên quan việc liên quan đến việc mua bán hơn 1.800 ha đất tổ hợp Khu công nghiệp và đô thị Việt Phát mà Trương Mỹ Lan khai tại tòa.

Bài 2: Thương vụ M&A 30.000 tỷ đồng liệu có “trọn gói”

Tại tòa, Trương Mỹ Lan nói, đã bán hơn 1.800 ha đất tổ hợp Khu công nghiệp và đô thị Việt Phát cho chủ mới với giá 30.000 tỷ đồng, kèm điều kiện phải chịu trách nhiệm gần 20.000 tỷ đồng trái phiếu. Theo hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, con số đó chưa hẳn “trọn gói”. Bởi tại chính dự án án này, vẫn còn khu đất được thế chấp để đảm bảo cho hàng chục doanh nghiệp vay tới… hơn 33.000 tỷ đồng.

Vén màn vụ mua bán cổ phần trị giá 30.000 tỷ đồng để sở hữu dự án

Tại phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II ngày 10/10/2024, Trương Mỹ Lan nói, năm 2021, Novaland gặp và đề nghị mua lại Dự án Khu công nghiệp và đô thị Việt Phát (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Trước lời đề nghị, bà Lan đã gặp Công ty Hải Sơn - đơn vị phát triển dự án, có uy tín. Công ty Hải Sơn nhận định, dự án này có triển vọng giá trị lên tới 60.000 tỷ đồng.

Theo Trương Mỹ Lan, do đại diện Novaland “năn nỉ”, nên bà mới bán giá 30.000 tỷ đồng kèm theo điều kiện bên mua phải chịu trách nhiệm gần 20.000 tỷ đồng của 3 gói trái phiếu, gồm Tân Thành Long An, Vạn Trường Phát (tổng trị giá 15.000 tỷ đồng) và gói Bông Sen (4.800 tỷ đồng).

Theo hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, quá trình mua bán trên diễn ra năm 2021 và đây là giao dịch chuyển nhượng cổ phần giữa các cá nhân với nhau, không phải pháp nhân.

Giai đoạn này, Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI), nơi Trương Mỹ Lan chiếm hơn 88% vốn điều lệ, cũng là doanh nghiệp “ôm trọn gói” từ tư vấn, đến phát hành, đại lý… của 2 gói trái phiếu trị giá 15.000 tỷ đồng. Tức là, TVSI rất “rành” vụ việc.

Năm 2023, trong văn bản trả lời trái chủ, TVSI cũng khẳng định: “Không có cơ sở pháp lý để nói về mối liên hệ giữa Tân Thành Long An và Novaland, vì quá trình chuyển nhượng diễn ra là chuyển nhượng cổ phần giữa các cá nhân, không phải với pháp nhân”.

Hai bên đã ký hợp đồng chuyển nhượng và như lời luật sư đại diện Công ty Tân Thành Long An nói, thì phía bà Võ Thị Kim Khoa đã đặt cọc gần 1.700 tỷ đồng.

Tháng 9/2022, tại giấy phép thay đổi cũng như thông báo thay đổi cổ đông, bà Khoa nắm giữ 99% cổ phần, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Công ty Tân Thành Long An; ông Phạm Nguyễn Bảo Trung không còn là người đại diện theo pháp luật của công ty này.

Giao dịch đã hoàn thành?

Khoảng 1 tháng sau thời điểm công bố bà Võ Thị Kim Khoa là người đại diện theo pháp luật của Công ty Tân Thành Long An, Bộ Công an bắt Trương Mỹ Lan và ngăn chặn giao dịch, tài sản của Công ty Tân Thành Long An.

Tại buổi làm việc ngày 7/4/2023 với TVSI, ông Trần Ngọc Đại (đại diện theo ủy quyền của chủ mới Công ty Tân Thành Long An) cho biết, thực trạng mà bên mua nhận bàn giao là “số dư tiền mặt, tiền gửi ngân hàng của Tân Thành Long An không đáng kể”.

Cũng theo ông Đại, ngoài các tài sản là quyền sử dụng đất đang thế chấp cho các gói trái phiếu (Vạn Trường Phát và Tân Thành Long An), thì chủ mới của Tân Thành Long An cũng không rõ Công ty còn tài sản nào khác, do chưa thể hoàn tất việc rà soát thẩm định, bởi hồ sơ nhận bàn giao rất hạn chế và không thể liên lạc được với bên bán.

Điều này có nghĩa là, giao dịch thương vụ mua bán cổ phần trị giá 30.000 tỷ đồng để sở hữu dự án chưa hoàn thành.

30.000 tỷ đồng đã “trọn gói”?

Tại tòa, luật sư của Công ty Tân Thành Long An đề nghị giảm thương vụ trị giá 30.000 tỷ đồng xuống còn 20.000 tỷ đồng và doanh nghiệp chỉ chấp nhận chịu trách nhiệm 2 gói trái phiếu Tân Thành Long An và Vạn Trường Phát, tổng giá trị 15.000 tỷ đồng.

Nhưng theo hồ sơ của phóng viên Báo Đầu tư, dù doanh nghiệp có chấp thuận tổng giá trị như lời bà Lan là 30.000 tỷ đồng và chịu trách nhiệm 3 gói trái phiếu trị giá gần 20.000 tỷ đồng và hợp đồng mua bán trị giá 30.000 tỷ đồng), thì chưa hẳn đã… trọn gói.

Bởi, tại chính 1.800 ha Dự án Khu công nghiệp và đô thị Việt Phát, ngoài 2 mảnh đất thế chấp cho SCB để phát hành trái phiếu trị giá 15.000 tỷ đồng, vẫn còn hơn 52.200 m2 đất khác tại Dự án được Công ty Tân Thành Long An thế chấp cho SCB để đảm bảo cho hàng chục doanh nghiệp vay tới… hơn 33.000 tỷ đồng và giờ này, “sổ đỏ” cũng như vấn đề giải chấp đang là câu hỏi lớn.

Cụ thể, vào tháng 4/2014, Công ty Tân Thành Long An có ký kết hợp đồng số 14/HĐNT_TIZICO.14 cho Công ty cổ phần Đầu tư sinh thái Vina Yến (Công ty Vina Yến) thuê 51.600 m2 đất tại khu F, Khu công nghiệp Việt Phát (thuộc tổ hợp Dự án Khu công nghiệp và đô thị Việt Phát), trong thời gian 42 năm. Tổng giá trị hợp đồng thuê đất là hơn 37 tỷ đồng.

Hai bên thỏa thuận, trước khi có quyết định giao đất của UBND tỉnh Long An cho Tân Thành Long An, Công ty Vina Yến sẽ thanh toán tiền thuê đất 3 tháng/lần. Sau khi có quyết định giao đất, Vina Yến sẽ thanh toán số tiền thuê đất còn lại theo từng giai đoạn. Khi nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần diện tích đất thuê, thì Công ty Vina Yến sẽ thanh toán hết 50% giá trị còn lại của hợp đồng.

Từ ngày 1/4/2014 đến ngày 18/5/2018, Vina Yến đã thanh toán cho Tân Thành Long An hơn 3,9 tỷ đồng.

Tháng 12/2015, Tân Thành Long An được UBND tỉnh Long An cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 2 thửa đất số 421 và 422, diện tích hơn 52.200 m2, trong đó có 51.600 m2 mà Công ty Vina Yến đã thuê. Nhưng, Tân Thành Long An lại “ỉm” đi, không thực hiện thủ tục tách thửa và đăng ký chuyển quyền sử dụng đất cho Vina Yến theo đúng hợp đồng đã ký.

Sau đó, Tân Thành Long An đem “sổ đỏ” của 2 thửa đất thế chấp cho SCB, tại các chi nhánh Cống Quỳnh, Bến Thành, Chi nhánh 6, Phạm Ngọc Thạch, Đông Sài Gòn để bảo đảm cho hàng chục công ty khác vay vốn hơn 33.000 tỷ đồng.

Điển hình, chỉ trong ngày 21/5/2018, Tân Thành Long An ký 9 hợp đồng thế chấp để đảm bảo cho 19 doanh nghiệp vay tổng cộng gần 20.000 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay “khủng” nhất là hơn 8.000 tỷ đồng của Công ty Prosperous City. Còn lại, các doanh nghiệp khác được Tân Thành Long An đảm bảo khoản vay từ 22 tỷ đồng tới gần 1.000 tỷ đồng.

Tới ngày 26/12/2018, Tân Thành Long An ký hợp đồng thế chấp với chi nhánh SCB để đảm bảo khoản vay 260 tỷ đồng cho Công ty Rise Crown.

Ngày 22/2/2019, cũng với giấy chứng nhận 2 mảnh đất trên, Tân Thành Long An ký 14 hợp đồng thế chấp để đảm bảo các khoản vay cho 14 doanh nghiệp, với số tiền tổng cộng là 9.200 tỷ đồng.

Công ty Vina Yến đã khởi kiện Tân Thành Long An ra Tòa án Nhân dân huyện Thủ Thừa (Long An).

Tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án hồi tháng 1/2021, khi Tân Thành Long An đã đổi người đại diện pháp luật từ ông Lê Thành sang ông Nguyễn Phạm Bảo Trung, đại diện doanh nghiệp này khẳng định, “sổ đỏ” của 2 thửa đất đem thế chấp cho SCB đảm bảo khoản vay hơn 33.000 tỷ đồng đã được SCB giải chấp.

“Tuy nhiên, sau khi giải chấp, SCB giao giấy chứng nhận trên cho các đơn vị được đảm bảo, mà không hoàn trả cho Tân Thành Long An để công ty này giao nộp Tòa án”, vị đại diện Tân Thành Long An báo cáo Tòa.

Điều này phi lý tới mức, Hội đồng Xét xử cả phiên sơ thẩm và phúc thẩm sau đó (tháng 8/2022), đều khẳng định, Tân Thành Long An là chủ sử dụng hợp pháp 2 thửa đất số 421, 422; SCB chỉ là phía nhận tài sản đảm bảo, nên không có quyền giao cho người khác.

Cả 2 cấp tòa đều buộc Tân Thành Long An phải giao “sổ đỏ” cho Công ty Vina Yến. Sau 30 ngày, nếu không thực hiện, thì cơ quan thi hành án sẽ thu hồi diện tích đất và trình cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Vina Yến.

Sau đó, cơ quan thi hành án không thực hiện được, do tài sản của Tân Thành Long An bị phong tỏa vì liên quan tới đại án Vạn Thịnh Phát.

Đến thời điểm này, Công ty Vina Yến vẫn chưa nhận được “sổ đỏ” đã giải chấp, SCB chỉ là phía nhận tài sản đảm bảo, nhưng lại giao cho người khác mà không hoàn “sổ đỏ” cho Tân Thành Long An là chủ sử dụng hợp pháp. Việc thế chấp mảnh đất đảm bảo khoản vay hơn 33.000 tỷ đồng cho hàng chục doanh nghiệp nêu trên giống như chiêu thức mà Trương Mỹ Lan áp dụng trong việc “rút ruột” SCB.

Các dữ liệu trên phơi bày sự thật và đặt ra nghi vấn lớn: hơn 33.000 tỷ đồng “tiền tươi, thóc thật” trong SCB đã được rút ra, nhưng, có hay không việc giải chấp?

Cần lưu ý rằng, giai đoạn Công ty Tân Thành Long An đem đất đi thế chấp (từ năm 2018), với sở hữu cổ phần tỷ lệ hơn 91%, Trương Mỹ Lan đã… điều hành toàn bộ SCB.

TRÁI CHỦ TRÁI PHIẾU TÂN THÀNH LONG AN VÀ VẠN TRƯỜNG PHÁT “NGỒI TRÊN LỬA”

Tại phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn I, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, trong khoảng hơn 1.000 tài sản của bà Trương Mỹ Lan bị kê biên, chỉ có khoảng 60 tài sản bà Lan mua trước năm 2012, còn lại, hơn 94% tài sản được bị cáo này mua từ tiền chiếm đoạt của SCB.

Trương Mỹ Lan sở hữu Dự án Khu công nghiệp và đô thị Việt Phát trước năm 2021, nên nguồn tiền để mua tài sản này cũng được nghi ngờ là lấy từ việc “rút ruột” SCB.

Hai gói trái phiếu Vạn Trường Phát (10.000 tỷ đồng) và Tân Thành Long An (5.000 tỷ đồng) lại nằm ngoài danh sách 25 gói trái phiếu của 4 công ty liên quan Vạn Thịnh Phát được đưa ra xét xử giai đoạn II, tức trái chủ không được công nhận là bị hại sẽ không được bồi thường thiệt hại trong vụ án trên.

Thương vụ mua bán cổ phần trị giá 30.000 tỷ đồng để sở hữu dự án và chịu trách nhiệm 2 gói trái phiếu này vẫn chưa hoàn thành và ra tới tòa vẫn tiếp tục tranh cãi.

Tất cả các yếu tố trên khiến trái chủ của 2 gói trái phiếu trị giá 15.000 tỷ đồng như đang “ngồi trên lửa”. Họ mong ngóng cơ quan công an vào cuộc làm rõ, thay vì để vụ việc chuyển sang xét xử dân sự.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan