PGS. TS. Tô Kim Ngọc.

PGS. TS. Tô Kim Ngọc.

Phối hợp chính sách tiền tệ - tài khoá: Yêu cầu bức xúc

(ĐTCK-online) Mấy ngày qua, thị trường tiền tệ bất ngờ tăng nhiệt khi lãi suất liên ngân hàng, lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng đột ngột tăng cao ngay sau đợt bùng phát của giá vàng và đô la. Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Tô Kim Ngọc, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng xoay quanh vấn đề này.

Thị trường tiền tệ trong tuần qua rất "nóng", theo bà, nguyên nhân do đâu?

Việc các ngân hàng thương mại rơi vào tình trạng căng thẳng về thanh khoản thực tế đã kéo dài từ khá lâu. Nó xuất phát từ những nguyên nhân mang tính cơ cấu chứ không phải tiền tệ: Thứ nhất, Việt Nam đang cố gắng tăng trưởng ở mức 6 -7%, với chỉ số ICOR gần mức 2 con số thì nguồn gốc tăng trưởng chỉ có thể dựa vào tăng vốn. Trong suy thoái kinh tế, lượng vốn FDI thực sự giải ngân giảm thấp nên áp lực tăng trưởng đè nặng lên thị trường vốn trong nước, lãi suất tăng như hiện nay là phản ứng tất yếu. Thứ hai, do mất cân đối trong cơ cấu nguồn vốn và cho vay của hệ thống ngân hàng. Để đảm bảo tăng trưởng, nhu cầu vốn trung, dài hạn khá lớn trong khi nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn. Đường cong lãi suất “thẳng” do cơ cấu nguồn vốn, sử dụng vốn có độ lệch.

Trong những ngày gần đây, mức lãi suất ngân hàng còn bị tác động bởi những biến động bất thường từ thị trường vàng và ngoại tệ. Nhu cầu đầu tư và đầu cơ ở các thị trường này lôi kéo một bộ phận tiền gửi ngân hàng. Trong điều kiện các nhu cầu vốn ngày càng tăng, lựa chọn tất yếu của các ngân hàng thương mại là tăng lãi suất.

 

Đâu là giải pháp cho vấn đề này, thưa bà?

Trong thời gian qua, NHNN đã sử dụng tối đa các biệp pháp hành chính để can thiệp tức thời vào diễn biến của thị trường, nhưng cần bổ sung biện pháp cung cấp thông tin đầy đủ về thực trạng của thị trường và dự định chính sách can thiệp tổng thể. Các vấn đề liên quan đến bội chi ngân sách, nợ công, nhập siêu, thực trạng tài chính doanh nghiệp... cần phải được phân tích và kiểm soát chặt chẽ theo nguyên tắc minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình một cách thường xuyên.

Giải pháp dài hạn về phía cầu là cần duy trì một chính sách tài khóa chặt chẽ và hiệu quả. Thời gian vừa qua, phần  lớn các hành động nhằm ổn định thị trường chỉ phụ thuộc vào các động thái từ chính sách tiền tệ mà chưa có sự phối hợp thật sự và nhất quán từ các quyết định chi tiêu công. Điều này khiến cho việc thắt chặt chính sách tiền tệ trở nên bất lực trước biến động của thị trường. Yêu cầu phối hợp chính sách tiền tệ và tài khoá là yêu cầu bức xúc hiện nay.

 Căn bản hơn là, cơ cấu kinh tế, vấn đề sở hữu, cổ phần hóa cần được triển khai thực sự. Kinh tế Việt Nam đã có sự phát triển nhất định theo hướng mở cửa và phải chấp nhận những bất lợi từ quá trình tự do hóa và sự di chuyển vốn giữa các quốc gia. Nếu không có sự phối hợp tốt trong chính sách vĩ mô với một cơ cấu kinh tế vững mạnh, sẽ không thể giành được lợi thế của quá trình mở cửa, mà chỉ nhận được phần rủi ro từ nó.

 

Như vậy, có phải áp lực đang đè lên NHNN?

Có nhiều vấn đề nằm ngoài khả năng chi phối của NHNN. Cơ quan này chỉ có thể can thiệp trong phạm vi nhất định. Chẳng hạn, vấn đề tỷ giá không thể giải quyết triệt để nếu thiếu những giải pháp cho hoạt động xuất nhập khẩu. Tương tự, vấn đề lãi suất và tương quan lãi suất VND - USD phụ thuộc một phần vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế trong mối tương quan với mục tiêu tăng trưởng. Việc yêu cầu một chính sách đa mục tiêu là khó có tính khả thi.

Nói chính xác thì hạn chế là ở chỗ không dự báo được những diễn biến tất yếu hoặc xu hướng của thị trường, không có một chính sách phản ứng tổng thể.