Sau phiên ngẫu hứng thứ Tư khi Fed công bố tăng lãi suất 25 điểm cơ sở, giống như dự đoán, phố Wall đã trở lại mặt đất trong phiên tứ Năm khi trả lại toàn bộ những gì đã có trong phiên thứ Tư.
Phố Wall giảm mạnh trở lại sau 3 phiên tăng liên tiếp nỗi lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi giá năng lượng và nguyên vật liệu sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, quyết định tăng lãi suất của Fed dù đúng như dự đoán và được đánh giá là ôn hòa, nhưng nó cũng khiến đồng USD tăng vọt trở lại và qua đó tác động không mấy tích cực lên các doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ.
Kết thúc phiên 17/12, chỉ số Dow Jones giảm 253,25 điểm (-1,43%), xuống 17.495,84 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 31,18 điểm (-1,50%), xuống 2.041,89 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 68,58 điểm (-1,35%), xuống 5.002,55 điểm.
Sau khi bỏ lỡ mất phiên thứ Tư do đóng cửa sớm hơn thời điểm Fed công bố tăng lãi suất, chứng khoán châu Âu đã bù đắp trở lại trong phiên thứ Năm khi đồng loạt tăng mạnh. Tuy nhiên, đà tăng của chứng khoán châu Âu bị hãm chút ít khi cổ phiếu của Casino (Pháp), chủ sở hữu siêu thị Big C Việt Nam giảm tới 20% sau khi Công ty nghiên cứu Muddy Waters cho biết, nhà bán lẻ của Pháp là một trong những “hiểu lầm và định giá quá cao” mà công ty này đã từng trải qua.
Tuy nhiên, Casino cho biết, báo cáo chứa “những cáo buộc sai lầm cố ý”, trong khi JP Morgan nhắc lại trạng thái “overweight” với cổ phiếu của Casino và không đồng ý với đánh giá của Muddy Waters.
Kết thúc phiên 17/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 41,35 điểm (+0,68%), xuống 6.102,54 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 268,86 điểm (+2,57%), lên 10.738,12 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 52,87 điểm (+1,14%), lên 4.677,54 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, hưởng ứng chung với chứng khoán toàn cầu sau quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên sau 10 năm của Fed, chứng khoán khu vực cũng có phiên tăng tích cực. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất hơn 1 tuần, trong khi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng duy trì được mức tăng tốt.
Kết thúc phiên 17/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 303,65 điểm (+1,59%), lên 19.353,56 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 170,85 điểm (+0,79%), lên 21.872,06 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 63,81 điểm (+1,81%), lên 3.580,00 điểm.
Với nội lực đã yếu ớt, việc cố gắng leo dốc trong phiên thứ Tư để đua cùng chứng khoán đã khiến vàng kiệt sức và mất phanh lao mạnh trở lại trong phiên thứ Năm. Giá vàng lao dốc mạnh là do đồng USD tăng mạnh trong phiên thứ Năm với chỉ số USD Index tăng hơn 1,3%, lên mức cao nhất 2 tuần.
Ngoài ra, giá vàng cũng còn chịu tác động từ việc giá dầu thô liên tiếp sụt giảm và hiện đang giao dịch ở mức giá thấp nhất 11 năm.
Kết thúc phiên 17/12, giá vàng giao ngay giảm 21,4 USD (-2,00%), xuống 1.050,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 giảm 27,2 USD (-2,53%), xuống 1.049,7 USD/ounce.
Trong khi chứng khoán và giá vàng còn có phút ngẫu hứng với quyết định tăng lãi suất của Fed, thì giá dầu liên tục giảm mạnh, nhất là trong phiên thứ Tư, giá dầu lao dốc hơn 5% và trong phiên thứ Năm, dù đà giảm đã hãm, nhưng giá nhiên liệu này tiếp tục có phiên mất giá. Trong đó, giá dầu thô Brent giao dịch ở mức giá thấp nhất 11 năm. Ngoài việc Fed tăng lãi suất khiến đồng USD tăng, giá dầu còn chịu ảnh hưởng bởi nỗi lo dư cung luôn hiện hữu.
Kết thúc phiên 17/12, giá dầu thô Mỹ giảm 0,57 USD/thùng (-1,63%), xuống 34,95 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,01 USD (-0,03%), xuống 37,18 USD/thùng.