Sau phiên bị rung lắc do áp lực chốt lời và ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu năng lượng hôm thứ Tư, phố Wall đã lấy lại đà tăng khá trong phiên thứ Năm nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu tài chính, giúp Dow Jones và S&P 500 tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.
Kết quả kinh doanh khả quan của JPMorgan, ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Mỹ vừa được công bố giúp cổ phiếu ngân hàng này tăng 1,5%, góp phần giúpS&P tài chính tăng 0,89%. Đây là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh, vì vậy nhiều nhà đầu tư kỳ vọng các ngân hàng khác sẽ có kết quả tương tự khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh trong thời gian tới.
Ngoài ngân hàng, các doanh nghiệp trong các ngành có tính thời vụ như nguyên vật liệu, công nghệ, hàng tiêu dùng dự kiến cũng sẽ có kết quả khả quan.
Hỗ trợ cho phố Wall còn đến từ dữ liệu từ kinh tế vĩ mô khi số hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước bất ngỡ ổn định ở mức thấp nhất 43 năm trong tuần trước.
Mặc dù dữ liệu kinh tế liên tiếp được công bố khả quan, nhưng một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn cho rằng, Fed nên vẫn còn “cẩn thận và kiên nhẫn” với bất kỳ tăng lãi suất trong tương lai. Chính điều này càng giúp giới đầu tư phấn chấn hơn.
Kết thúc phiên 14/7, chỉ số Dow Jones tăng 134,29 điểm (+0,73%), lên 18.506,41 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,32 điểm (+0,53%), lên 2.163,75 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 28,33 điểm (+0,57%), lên 5.034,06 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, không như kỳ vọng của giới phân tích, trong cuộc họp kết thúc ngày thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã không giảm lãi suất, mà giữ nguyên mức lãi suất cơ bản ở mức 0,5% như 7 năm qua. Quyết định này đã khiến chứng khoán Anh tiếp tục giảm điểm trong phiên thứ Năm.
Trong khi đó, với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, các chỉ số chứng khoán tại Đức và Pháp lại lấy lại đà tăng mạnh trong phiên thứ Năm. Tuy nhiên, nhiều khả năng, chứng khoán châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi mở cửa phiên giao dịch thứ Sáu bởi vụ khủng bố mới nhất vừa xảy ra tối 14/7 tại Pháp khi một xe tải lao vào đám đông đang xem bắn pháo hoa nhân ngày Quốc khánh Pháp.
Kết thúc phiên 14/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 15,93 điểm (-0,24%), xuống 6.654,47 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 137,59 điểm (+1,39%), lên 10.068,30 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 50,26 điểm (+1,16%), lên 4.385,52 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên giảm đã khiến tâm lý sợ rủi ro của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật Bản tiêu tan, qua đó giúp Nikkei 225 có phiên tăng thứ 4 liên tiếp, lên mức cao nhất hơn 1 tháng trong phiên thứ Năm.
Kỳ vọng BoE sẽ cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế Anh đối phó với khủng hoảng có thể xảy ra do sự kiện Brexit, chứng khoán Hồng Kông cũng có phiên tăng mạnh. Chứng khoán Trung Quốc đại lục dù không tăng mạnh như phiên trước, nhưng cũng tiếp tục có được sắc xanh trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 14/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 154,46 điểm (+0,95%), lên 16.385,89 điểm. Chỉ số Hang Seng tăng 238,69 điểm (+1,12%), lên 21.561,06 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 4,64 điểm (+0,15%), lên 3.054,02 điểm.
Việc thị trường chứng khoán thế giới trở lại đà tăng tốt trong phiên thứ Năm gây áp lực lên giá vàng. Giá kim loại quý này có thời điểm giảm xuống ngưỡng 1.320 USD/ounce. Tuy nhiên, cuối phiên Mỹ, nhờ lực cầu bắt đáy, giá vàng đã hãm đà giảm và đóng cửa trên mức 1.330 USD/ounce.
Kết thúc phiên 14/7, giá vàng giao ngay giảm 7,7 USD (-0,57%), xuống 1.334,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 11,4 USD (-0,85%), xuống 1.332,2 USD/ounce.
Sau phiên giảm mạnh thứ Tư, giá dầu thô đã lấy lại được phân nửa trong phiên thứ Năm nhờ đồng USD giảm sau khi BoE bất ngờ giữ nguyên lãi suất.
Kết thúc phiên 14/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,93 USD/thùng (+2,08%), lên 45,68 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,11 USD (+2,4%), lên 47,37 USD/thùng.