Theo dữ liệu vừa công bố, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý III là 2%, gần sát với mức dự báo 2,1%, thấp hơn mức tăng 3,9% trong quý II.
Dữ liệu khác vừa được công bố cùng ngày cũng cho thấy, doanh số bán nhà trên thị trường thứ cấp bất ngờ giảm 10,5% trong tháng trước. Theo The National Association of Realtors, doanh số bán nhà hiện có thể giảm về mức 4,76 triệu đơn vị, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2015. Sự sụt giảm này trái ngược với thị trường sơ cấp và tâm lý lạc quan của thị trường xây dựng.
Tuy nhiên, dữ liệu khác cho thấy, chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế Mỹ lại tăng 3% trong quý III, đúng như dự đoán. Trong khi đó, tăng trưởng trong chi tiêu kinh doanh và thiết bị đã được điều chỉnh lên 9,9% từ con số công bố ban đầu là 9,5%.
Chính dữ liệu về chi tiêu tiêu dùng đã giúp phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm ấn tượng thứ 2 liên tiếp trong tuần.
Kết thúc phiên 22/12, chỉ số Dow Jones tăng 165,65 điểm (+0,96%), lên 17.417,27 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 17,82 điểm (+0,88%), lên 2.038,97 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 32,19 điểm (+0,65%), lên 5.001,11 điểm.
Chứng khoán châu Âu đã ổn định trở lại sau phiên giảm mạnh trước đó bởi lệnh bán tháo của giới đầu tư do lo ngại về bế tắc chính trị tại Tây Ban Nha sẽ lây lan sự tiêu cực ra cả khu vực. Chứng khoán châu Âu ổn định trở lại trong phiên thứ Ba nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng phục hồi khi giá dầu thô tăng trở lại từ mức thấp nhất 11 năm.
Kết thúc phiên 22/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 48,26 điểm (+0,80%), lên 6.083,10 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 9,02 điểm (-0,09%), xuống 10.488,75 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 2,43 điểm (+0,05%), lên 4.667,6 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản gần như không có nhiều thay đổi trong phiên khi nhà đầu tư thận trọng trước ngày nghỉ lễ hôm thứ Tư của thị trường. Tương tự, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng không có nhiều thay đổi trong phiên thứ Ba khi giới đầu tư dường như đang hướng về kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới cận kề.
Kết thúc phiên 22/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 29,32 điểm (-0,16%), xuống 18.886,70 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 38,34 điểm (+0,18%), lên 21.830,02 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 9,30 điểm (+0,26%), lên 3.651,77 điểm.
Sau 2 phiên tăng giá ấn tượng, giá vàng đã điều chỉnh trong phiên thứ Ba khi dữ liệu kinh tế của Mỹ khả quan, làm gia tăng khả năng Fed sẽ sớm có quyết định tăng lãi suất. Ngoài ra, sau 2 phiên tăng mạnh, áp lực chốt lời cũng đã xuất hiện, đẩy giá vàng điều chỉnh trở lại.
Kết thúc phiên 22/12, giá vàng giao ngay giảm 5,9 USD (-0,55%), xuống 1.072,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 giảm 6,5 USD (-0,6%), xuống 1.074,1 USD/ounce.
Theo dữ liệu vừa được công bố, kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm 3,6 triệu thùng, xuống 486,7 triệu thùng trong tuần trước so với mức dự đoán tăng 1,1 triệu thùng của giới phân tích. Thông tin bất ngờ này đã hỗ trợ tốt cho giá dầu, giúp giá dầu thô Mỹ có phiên hồi nhẹ thứ 2 liên tiếp.
Kết thúc phiên 22/12, giá dầu thô Mỹ tăng 0,33 USD/thùng (+0,91%), lên 36,14 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,24 USD (-0,24%), xuống 36,11 USD/thùng.