Dù có chút "thót tim" cuối phiên, nhưng Phố Wall vẫn duy trì sắc xanh trong phiên cuối tuần - Ảnh: Reuters

Dù có chút "thót tim" cuối phiên, nhưng Phố Wall vẫn duy trì sắc xanh trong phiên cuối tuần - Ảnh: Reuters

Phố Wall thoát hiểm cuối phiên

(ĐTCK) Chứng khoán toàn cầu kết thúc tuần giao dịch với sắc xanh, nhưng chứng khoán Mỹ chứng khiến đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ sinh học mạnh cuối phiên và các chỉ số may mắn giữ được đà tăng.
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh ngay từ đầu phiên và duy trì ở mức cao trong phiên sáng nhờ các dữ liệu kinh tế tích cực tiếp tục được công bố và thông tin tích cực từ Trung Quốc.

Theo dữ liệu mới nhất được Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ trong tháng 2 tăng 0,3% sau khi tăng 0,2% trong tháng 1, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang rất tích cực. Tuy nhiên, chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng 3 do Reuters và Đại học Michigan thực hiện giảm xuống mức 80 từ mức 81,6 trong tháng trước, nhưng mức suy giảm này không ảnh hưởng nhiều tới tâm lý nhà đầu tư.

Về thông tin từ Trung Quốc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, Chính phủ nước này sẵn sàng thực hiện các biện pháp hỗ trợ nếu nền kinh tế chậm lại. Thông tin này hỗ trợ tâm lý tích cực cho giới đầu tư toàn cầu, bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn và cũng là một trong những đầu tàu vực dậy kinh tế thế giới trong đợt suy thoái vừa qua.

Tuy nhiên, bước vào phiên chiều các chỉ số bắt đầu quay đầu đi xuống khi hoạt động bán tháo cổ phiếu công nghệ sinh học lại diễn ra. Hoạt động này đã diễn ra từ phiên thứ Năm và tiếp tục kéo sang cuối phiên cuối tuần.

Nhiều phân tích cho rằng, đây là hoạt động chốt lãi khi nhóm cổ phiếu này tăng mạnh trước đó. Tính chung trong tuần, cổ phiếu công nghệ sinh học giảm 7%, còn trong tháng 3, chỉ số của nhóm cổ phiếu này mất khoảng 13%, dù tháng 3 còn 1 phiên giao dịch nữa.

Kết thúc phiên 28/3, chỉ số Dow Jones tăng 58,83 điểm (+0,36%), lên 16.323,06 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,58 điểm (+0,46%), lên 1.857,62 điểm. Nasdaq tăng 4,53 điểm (+0,11%), lên 4.155,76 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,1%, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 0,5% và chỉ số Nasdaq giảm 2,8%.

Tuần tới, chứng khoán Mỹ sẽ chịu tác động nhiều bởi các thông tin kinh tế quan trọng được công bố. Vào cuối tuần là dữ liệu việc làm tháng 3. Theo thăm dò, bảng lương phi nông nghiệp dự kiến có thêm 200.000 việc làm, tăng hơn so với mức 175.000 trong tháng 2. Trước đó là báo cáo của thăm dò của Viện quản lý nguồn cung về các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ. Ngoài ra, còn có các dữ liệu về doanh số bán xe, bảng lương khu vực tư nhân…

Chứng khoán châu Âu mở rộng đà tăng trong phiên cuối tuần với kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ vào tuần tới để kích thích đà phục hồi kinh tế khu vực. Bên cạnh đó, phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc về việc hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang có dấu hiệu chậm lại cũng hỗ trợ cho chứng khoán châu Âu, bởi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là các doanh nghiệp khai mỏ.

Kết thúc phiên 28/3, chỉ số FTSE tại Anh tăng 27,26 điểm (+0,41%), lên 6.615,58 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 135,98 điểm (+1,44%), lên 9.587,19 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 32,20 điểm (+0,74%), lên 4.411,26 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE tăng 0,89%, chỉ số DAX tăng 2,61% và chỉ số CAC40 tăng 1,75%. Dù tiếp tục có tuần tăng điểm, nhưng theo giới phân tích, dòng tiều chảy vào chứng khoán châu Âu đang có dấu hiệu giảm. Nhiều nhà đầu tư đã chốt lời và đang ở trạng thái chờ đợi khi lo ngại tình hình căng thẳng giữa Nga và phương Tây, cũng như đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc.

Chứng khoán châu Á cũng có phiên tăng điểm khá trong phiên cuối tuần, trong đó, chứng khoán Nhật Bản củng cố mức cao nhất 2 tuần, còn chứng khoán Hồng Kông cũng vọt mạnh hơn 1%, trong khi chứng khoán Trung Quốc vẫn giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 28/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 73,14 điểm (+0,50%), lên 14.696,03 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông tăng 231,08 điểm (+1,06%), lên 22.065,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 4,88 điểm (-0,24%), xuống 2.041,71 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 3,32%, chỉ số Hangseng tăng 2,93%, chỉ số Shanghai Composite 0,29%.

Giá vàng trong phiên cuối tuần có thời điểm đã hồi phục mạnh và có ý định chinh phục lại mốc 1.300 USD/ounce, tuy nhiên, các thông tin đưa ra lại bất lợi cho giá vàng, khiến giá kim loại quý này quay đầu và chỉ duy trì đà tăng nhẹ khi kết thúc phiên.

Việc kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi, cùng với tín hiệu ECB có khả năng giảm lãi suất khiến đồng USD tăng giá, tác động tiêu cực ngược lại lên giá vàng.

Trong tuần, giá vàng cũng chịu áp lực giảm bởi nhiều thông tin khác như nhu cầu vàng vật chất của châu Á vẫn yếu, kinh tế khả quan, tình hình Ukraine không xuất hiện căng thẳng để dẫn đến chiến tranh, lực chốt lời tăng mạnh và ngưỡng hỗ trợ bị mất. Những yếu tố này khiến giá vàng giảm mạnh và xuống mức thấp nhất 6 tuần.

Kết thúc phiên 28/3, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 3,2  USD (+0,25%), lên 1.294,90 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 0,9 USD, xuống 1.293,8 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 2,98%, giá vàng giao tháng 4 giảm 3,16%. Đây là tuần giảm mạnh thứ 2 liên tiếp của giá kim loại quý này sau khi đã mất lần lượt 3,42% và 3,12% trong tuần trước.

Trong khi đó, cuộc căng thẳng chính trị giữa Nga và phương Tây đã hỗ trợ rất tốt cho giá dầu trong tuần qua, ngay khi các nước phương Tây tăng biện pháp trừng phạt Nga sang cả lĩnh vực năng lượng, giá dầu đã có chuỗi 3 phiên tăng mạnh, vượt qua mốc 100 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent cũng vượt qua 108 USD/thùng, đánh dấu tuần tăng giá đầu tiên trong năm.

Bên cạnh đó, ngoài tình hình căng thẳng giữa Nga và phương Tây, giá dầu còn được hỗ trợ bởi thông tin kinh tế Mỹ tích cực.

Kết thúc phiên 28/3, giá dầu thô Mỹ tăng 0,39 USD (+0,38%), lên 101,67 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,24 (+0,22%), lên 108,07 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô tại Mỹ tăng 2,22%, tuần trước giá dầu thô Mỹ cũng có mức tăng 0,58%. Giá dầu Brent tăng 1,08%, tuần tăng giá đầu tiên của giá dầu Brent trong năm.

Tin bài liên quan