Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, FED cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay xuống còn 2,1-2,3% so với mức 2,9% trước đó, tuy nhiên, vẫn giữ nguyên mức dự báo cho năm 2015 và 2016 và bày tỏ tin tưởng rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đà phục hồi.
Bà Janet Yellen, Chủ tịch FED trong cuộc họp báo sau cuộc họp cho biết, kinh tế Mỹ đang phục hồi tốt trong quý này và tiếp tục mở rộng đà phục hồi với một tốc độ vừa phải, nhưng mức lạm phát vẫn còn cao và tỷ lệ lạm phát vẫn dưới mục tiêu 2%.
Với những nhận định trên, FED dự kiến sẽ cắt giảm tiếp gói kích thích kinh tế QE3 xuống 35 tỷ USD/tháng từ mức 45 tỷ USD/tháng hiện nay. Tuy nhiên, lãi suất sẽ được giữ ở mức thấp đáng kể trong thời gian dài sau khi gói QE3 kết thúc, giống như thông điệp được đưa ra trong cuộc họp vào tháng trước.
Giới phân tích cũng đánh giá, với việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế, cũng như mức lạm phát chưa đạt đến mức kỳ vọng của FED (lạm phát trong tháng 5 tăng 1,4% so với cùng kỳ), nhiều khả năng tới năm sau FED mới tính tới chuyện tăng lãi suất, nhưng mức lãi suất trong dài hạn vẫn duy trì ở mức thấp.
Với những thông điệp trên, giới đầu tư Phố Wall đã hứng khởi trở lại với việc chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của Phố Wall giảm 12%, xuống 10,16, mức thấp nhất từ năm 2007. Thông thường, chỉ số VIX biến động trái chiều với S&P 500, vì vậy, khi chỉ số VIX giảm mạnh, Phố Wall đã tăng vọt trở lại trong phiên thứ Tư với việc chỉ số S&P 500 phá vỡ kỷ lục của phiên 9/6.
Kết thúc phiên 18/6, chỉ số Dow Jones tăng 98,13 điểm (+0,58%), lên 16.906,62 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,99 điểm (+0,77%), lên 1.956,98 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 25,60 điểm (+0,59%), lên 4.362,84 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục có phiên hồi phục và dao động ở mức gần cao nhất nhiều năm xác lập từ tuần trước khi nhận được sự hỗ trợ của các cổ phiếu năng lượng, vốn được hưởng lợi từ cuộc xung đột ở Iraq. Tuy nhiên, giới đầu tư châu Âu vẫn tỏ ra thận trọng đề chờ đợi kết quả cuộc họp của FED.
Kết thúc phiên 18/6, chỉ số FTSE tại Anh tăng 11,79 điểm (+0,17%), lên 6.778,56 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 10,01 điểm (+0,10%), lên 9.930,33 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 5,7 điểm (-0,13%), xuống 4.530,37 điểm.
Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông vẫn chịu tác động từ cuộc khủng hoảng Iraq và việc kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại. Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh lên mức cao nhất 1 tuần rưỡi khi đồng yên giảm so với đồng USD, hỗ trợ cho kinh tế Nhật, cũng như thị trường chứng khoán Nhật.
Kết thúc phiên 18/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 139,83 điểm (+0,93%), lên 15.115,80 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 21,87 điểm (-0,09%), xuống 23.181,72 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 11,18 điểm (-0,54%), xuống 2.055,52 điểm.
Giá vàng tiếp tục có phiên giao dịch lình xình trong phiên giáo dịch thứ Tư để chờ đợi kết quả cuộc họp của FED. Sau đó, về cuối phiên, sau khi có thông tin từ cuộc họp của FED đúng như dự đoán với việc chỉ cắt giảm thêm 10 tỷ USD/tháng với giói QE3 và “bóng gió” về việc sẽ không sớm tăng lãi suất của FED, giá vàng đã vọt tăng trở lại.
Kết thúc phiên 18/6, giá vàng giao ngay tăng 5,8 USD (+0,46%), lên 1.271,70 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 0,7 USD (+0,05%), lên 1.272,7 USD/ounce.
Quân nổi dậy ở Iraq đã đẩy lùi quan Chính phủ và chiếm một nhà máy lọc dầu lớn ở quốc gia vùng vịnh này, khiến mỗi lo gián đoạn nguồn cung tăng lên và giá dầu Brent tiếp tục tăng mạnh, vượt qua 114 USD/thùng, trong khi đó, giá dầu thô Mỹ tiếp tục giảm nhẹ.
Kết thúc phiên 18/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,39 USD (-0,37%), xuống 105,97 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,81 USD (+0,71%), lên 114,26 USD/thùng.