Phố Wall hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần sau 5 phiên giảm liên tiếp - Ảnh: Reuters

Phố Wall hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần sau 5 phiên giảm liên tiếp - Ảnh: Reuters

Phố Wall khởi sắc trở lại sau dữ liệu tích cực

(ĐTCK) Những thông tin tích cực vừa công bố giúp phố Wall chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp. Trong khi vàng tăng lên mức cao nhất hơn 4 tháng sau quyết định bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ.

Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này giảm 0,4% trong tháng 12/2014 so với tháng trước, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 12/2008, sau khi đã giảm 0,3% trong tháng 11. Như vậy, CPI tháng 12/2014 của Mỹ chỉ tăng 0,8% so với 12 tháng trước, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2009 và giảm mạnh so với mức tăng 1,3% trong tháng 11.

Chỉ số CPI lõi, tức không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng không thay đổi trong tháng 12 so với tháng trước. Đây là lần đầu tiên CPI lõi không tăng kể từ năm 2010. So với 1 năm trước, CPI lõi tháng 12 của Mỹ tăng 1,6%, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2014 và vẫn dưới mức mục tiêu 2% mà Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đặt ra để xem xét tăng lãi suất.

Dữ liệu về CPI khiến giới đầu tư cho rằng, khả năng FED sẽ không tăng lãi suất trong năm nay, nhưng nó đặt FED vào tình thế khá khó xử. Việc CPI thấp dưới mục tiêu mà họ đặt ra, cùng dữ liệu bán lẻ tháng 12/2014 yếu kém và tâm lý người tiêu dùng đứng ở mức thấp nhất 11 tháng trong tháng 1/2015 khiến họ khó tăng lãi suất, nhưng lại rất khó chịu khi nhìn thấy đồng USD tăng mạnh, qua đó ảnh hưởng không tích cực trở lại với nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Cùng với đó, FED cũng dè dặt trong quyết định thay đổi mức lãi suất gần như bằng 0 được duy trì từ tháng 12/2008 tới nay khi lo ngại về đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, đã có những tín hiệu lạc quan với kinh tế Mỹ. Theo dữ liệu của FED, sản lượng sản xuất của nhà máy trong tháng 12 tăng 0,3% và là tháng thứ 4 liên tiếp tăng. Sản lượng khai thác tăng 2,2% nhờ vào sự gia tăng của sản lượng khai thác dầu và khí đốt, tuy nhiên, hoạt đông khoan thăm dò lại giảm.

Những triển vọng tích cực của kinh tế Mỹ vừa được FED công bố giúp phố Wall hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần sau 5 phiên giảm điểm liên tiếp. Dù vậy, với 4 phiên giảm trong tuần, phố Wall đã không tránh khỏi được tuần giảm điểm mạnh.

Bên cạnh đó, việc giá dầu thô hồi phục mạnh trong phiên cuối tuần cũng giúp nhóm cổ phiếu năng lượng lấy lại đà tăng và qua đó hỗ trợ cho phố Wall cắt đứt mạnh giảm 5 phiên liên tiếp của mình.

Kết thúc phiên 16/1, chỉ số Dow Jones tăng 190,86 điểm (+1,10%), lên 17.511,57 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 26,75 điểm (+1,34%), lên 2.019,42 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 63,56 điểm (+1,39%), lên 4.634,38 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 1,27%, S&P 500 giảm 1,24% và Nasdaq giảm 1,48%.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, những lo ngại từ quyết định bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ khi bỏ mức trần đồng francs Thụy Sĩ khiến chứng khoán khu vực chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch sáng. Tưởng chừng đà tăng của chứng khoán khu vực này nhờ kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tung ra gói kích thích kinh tế vào tuần tới sẽ chấm dứt trong phiên cuối tuần, thì bất ngờ giới đầu tư châu Âu lại nhận được thông tin tích cực từ bên kia bờ Đại Tây Dương. Ngay sau khi dữ liệu tích cực của Mỹ được công bố, giới đầu tư chứng khoán châu Âu đã đồng loạt trở lại, kéo các chỉ số đảo chiều và tiến dần trong phiên chiều, kết thúc phiên cuối tuần với sắc xanh khá đậm.

Kết thúc phiên 16/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 51,49 điểm (+0,79%), lên 6.550,27 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 135,16 (+1,35%), lên 10.167,77 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 56,42 điểm (+1,31%), lên 4.379,62 điểm.

Nhờ những kỳ vọng về khả năng ECB tung gói kích thích kinh tế, nên chứng khoán châu Âu có mức tăng rất tốt trong tuần qua. Ngoại trừ chỉ số FTSE chỉ tăng nhẹ 0,76%, còn lại chỉ số DAX tăng tới 5,38% và CAC 40 cũng có mức tăng 4,8%.

Trên thị trường châu Á, bất châp việc đồng USD tăng mạnh trở lại so với đồng yên, nhưng với thông tin nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh đã khiến chứng khoán Nhật Bản quay đầu giảm điểm trong phiên cuối tuần. Trong tuần trước từ ngày 5-9/1, nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng 434,9 tỷ yên, tương đương 3,73 tỷ USD ra khỏi thị trường chứng khoán Nhật Bản do khẩu vị rủi ro thay đổi khi họ lo ngại về sự yếu kém của kinh tế toàn cầu và giá dầu giảm mạnh. Tương tự, do ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng khiến chứng khoán Hồng Kông nhanh chóng đảo chiều sau phiên tăng điểm tích cực nhờ kỳ vọng vào việc Trung Quốc đại lục sẽ có chính sách kích thích kinh tế. Trong khi đó, kỳ vọng này vẫn còn với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đại lục. Cũng do việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giảm lãi suất vào tháng 11 năm ngoái, nên đã giúp chứng khoán Trung Quốc trở thành một trong những thị trường có mức tăng tốt nhất năm 2014.

Kết thúc phiên 16/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 244,54 điểm (-1,43%), xuống 16.864,16  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 247,39 điểm (-1,02%), xuống 24.103,52 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 40,04 điểm (+1,20%), lên 3.376,50 điểm.

Trong khi đó, nhu cầu an toàn sau quyết định bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ giúp vàng tiếp tục có phiên tăng mạnh và leo lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 9/2014. Theo các nhà phân tích, yếu tố này sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng trong tuần giao dịch sắp tới.

Ngoài ra, tuần tới, thị trường cũng sẽ hướng sự tập trung vào cuộc họp của ECB trong ngày 22/1. Theo một số nhà phân tích, 75% Chủ tịch Mario Draghi sẽ công bố gói QE, bao gồm việc mua lại trái phiếu chính phủ.

Tuy nhiên, theo Bill Baruch, nhà môi giới hàng hóa cao cấp tại iiTrader, chìa khóa chính là mức độ cụ thể của gói QE mà ECB đưa ra. Baruch cho biết, kỳ vọng cao của thị trường có thể sẽ phải thất vọng.

"Tôi nghĩ, khả năng ECB sẽ đưa ra gói kích thích dưới kỳ vọng của nhà đầu tư. Khi đó sẽ tạo ra hêm bất ổn cho thị trường và vàng sẽ hấp dẫn hơn", ông nói.

Mặc dù Baruch đã không đưa ra một khung thời gian tăng của giá vàng, nhưng ông nhận định, vàng sẽ kiểm tra khu vực tâm lý quan trọng tiếp theo là mức 1.300 USD/ounce.

Còn theo Axel Merk, Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư của Merk Investments, không ai thực sự biết những gì Draghi sẽ làm và do đó không chắc chắn rằng sẽ giúp vàng trong ngắn hạn. Vàng vẫn cần duy trì đà tăng tốt sau cuộc họp hôm 22/1 của ECB, vì thị trường sau đó sẽ tập trung vào cuộc họp chính sách của FED dự kiến diễn ra vào ngày 28/1.

"FED đã khá yên tĩnh với sự lạc quan của mình. Mọi người đều nghĩ rằng, kinh tế Mỹ sẽ tích cực, nhưng tôi không chắc chắn như vậy. Lãi suất thực tế hiện nay là tiêu cực và vàng sẽ được hỗ trợ tốt trong môi trường này. Tôi hài lòng với vị thế vàng của mình", Merk nói.

Trong khi đó, Ken Morrison, biên tập viên của bản tin trực tuyến Morrison trên thị trường lại cho rằng, ông không tin đà tăng của vàng có thể được duy trì. Giá vàng đã tăng và lên mục tiêu ngắn hạn của mình là 1.250 USD/ounce và có thể thấy một số chốt lời vào tuần tới. "Nếu là tôi, với mức giá hiện nay, tôi sẽ xem xét thực hiện hóa lợi nhuận", Morrison nói.

Kết thúc phiên 16/1, giá vàng giao ngay tăng 17,7 USD (+1,40%), lên 1.280,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 tăng 12,1 USD (+0,96%), lên 1.276,9 USD/ounce.

Giá dầu tuần này có những tín hiệu tích cực hơn khi có những phiên hồi mạnh. Sau phiên giảm trở lại, trả lại gần hết những gì có được trong phiên đột biến thứ Tư, giá dầu thô Mỹ đã hồi mạnh trở lại trong phiên cuối tuần, trong khi dầu thô Brent có mức tăng khiêm tốn hơn nhiều. Giá dầu thô Mỹ tăng mạnh khi dữ liệu kinh tế của Mỹ vừa công bố tích cực. Trong khi hoạt động khoan thăm do mới sụt giảm trong tháng, theo công bố của FED.

Kết thúc phiên 16/1, giá dầu thô Mỹ tăng 2,44 USD/thùng (+5,01%), lên 48,69 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,02 USD (+0,04%), lên 47,69 USD/thùng.

Tin bài liên quan