Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (12/11), cũng giống như phiên trước đó, không có thông tin vĩ mô quan trọng nào tác động tới thị trường, mà chỉ yếu chịu tác động từ kết quả kinh doanh hoặc triển vọng của doanh nghiệp.
Việc giá dầu thô Brent lần đầu tiên kể từ tháng 9/2010 giảm xuống dưới mức 80 USD/thùng đã khiến cổ phiếu năng lượng giảm mạnh. Cùng với đó là cổ phiếu nhóm tiện ích cũng bị chốt lời sau chuỗi phiên tăng ấn tượng trước đó.
Đặc biệt, nhóm cổ phiếu tài chính giảm khá mạnh trong phiên này sau khi các ngân hàng lớn là UBS AG, HSBC Holdings Plc, Bank of America Corp, Royal Bank of Scotland, JPMorgan và Citigroup Inc bị phạt vì không ngăn chặn được nhân viên thao túng thị trường ngoại hối.
Trong khi đó, phố Wall lại được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu công nghệ và mạng xã hội, cũng như kết quả kinh doanh tốt của nhóm ngành bán lẻ.
Do không chịu tác động của thông tin vĩ mô đáng kể nào, nên phố Wall cũng chỉ dao động lình xình trong phiên thứ Tư và kết thúc gần mức tham chiếu. Trong đó, Dow Jones và S&P 500 đóng cửa giảm điểm đúng bằng số điểm có được trong phiên trước đó và chấm dứt chuỗi 5 phiên tạo đỉnh liên tiếp, trong khi Nasdaq nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ nên duy trì đà tăng khá.
Kết thúc phiên 12/11, chỉ số Dow Jones giảm 2,70 điểm (-0,02%), xuống 17.612,20 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,43 điểm (-0,07%), xuống 2.038,25 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 14,58 điểm (+0,31%), lên 4.675,14 điểm.
Cũng giống như chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng có phiên điều chỉnh do ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu tài chính sau khi các ngân hàng lớn bị phạt tổng cộng 3,4 tỷ USD do liên quan đến kinh doanh trên thị trường ngoại hối.
Kết thúc phiên 12/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 16,36 điểm (-0,25%), xuống 6.611,04 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 158,07 điểm (-1,69%), xuống 9.210,96 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 64,22 điểm (-1,51%), xuống 4.179,88 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng điểm và lên mức cao nhất nhất từ tháng 10/2007 khi giới đầu tư kỳ vọng Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe sẽ hoãn kế hoạch tăng thuế để tránh gây tổn hại cho nền kinh tế vốn đang phục hồi, cũng như để chuẩn bị cho cuộc bầu cử sớm vào tháng 12. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng tăng mạnh trong phiên thứ Tư sau khi Ngân hàng Trung ương đặc khu kinh tế này hủy bỏ giới hạn chuyển đổi nhân dân tệ hàng ngày cho người dân địa phương trước sự ra mắt của liên minh sàn chứng khoán Hồng Kông - Thượng Hải.
Kết thúc phiên 12/11, chỉ số Nikkei 225 tăng 72,94 điểm (+0,42%), lên 17.197,05 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 129,90 điểm (+0,55%), lên 23.938,18 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 24,8 điểm (+1,00%), lên 2.494,48 điểm.
Giá vàng đã dao động hẹp hơn so với 3 phiên gần đây. Đã không còn những biến động tăng, giảm đột biến, mà giá kim loại quý này đi ngang trong phiên giao dịch thứ Tư trước khi kết thúc phiên với mức giảm nhẹ.
Kết thúc phiên 12/11, giá vàng giao ngay giảm 1,2 USD (-0,10%), xuống 1.161,70 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 3,9 USD (-0,34%), xuống 1.159,1 USD/ounce.
Giá dầu tiếp tục giảm mạnh sau thông tin về sản lượng của Mỹ tăng và phát biểu của Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi. Trong chuyến thăm Mexico, ông Ali al-Naimi, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi nói rằng, việc cho rằng đang có cuộc chiến giá dầu là vô căn cứ và không đề cập tới việc liệu Ả Rập Saudi có cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu hay không. Sau phát biểu trên của ông Ali al-Naimi, giá dầu Brent giảm mạnh.
Kết thúc phiên 12/11, giá dầu thô trên thị trường Mỹ giảm 0,76 USD (-0,98%), xuống 77,18 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,29 USD (-1,6%), xuống 80,38 USD/thùng.