Lo lắng về cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp khiến thị trường chứng khoán Âu, Mỹ tiếp tục mở cửa trong sắc đỏ và dao động chủ yếu dưới tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch của ngày thứ Ba.
Tuy nhiên, vào nửa cuối phiên, khi S&P 500 xuyên qua ngưỡng hỗ trợ dài hạn, cùng các thông tin hỗ trợ ít ỏi được công bố, cùng sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng khi nhóm này có mức tăng tốt nhất trong năm, các chỉ số chính của phố Wall đã bật trở lại vào nửa cuối phiên.
Giới đầu tư lấy lại tâm lý lạc quan sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục khuyến nghị Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không nên tăng lãi suất cho đến năm 2016. Cùng với đó, thị trường cũng sắp bắt đầu bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II với nhiều dự báo lạc quan hơn quý I.
Kết thúc phiên 7/7, chỉ số Dow Jones tăng 93,33 điểm (+0,53%), lên 17.776,91 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,58 điểm (+0,61%), lên 2.081,34 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 5,52 điểm (+0,11%), lên 4.997,46 điểm.
Trong khi đó, ảnh hưởng của tình hình Hy Lạp tiếp tục khiến chứng khoán châu Âu giảm mạnh trong phiên thứ Ba. Các chỉ số chính của khu vực này tiếp tục có phiên giảm mạnh khoảng 2%. Giới lãnh đạo châu Âu sẽ nhóm họp khẩn cấp trong tuần này để bàn về tình hình Hy Lạp. Có thể nói, Athens đang thu hút mọi con mắt của giới đầu tư châu Âu vào thời điểm này.
Kết thúc phiên 7/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 103,47 điểm (-1,58%), xuống 6.432,21 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 213,85 điểm (-1,96%), xuống 10.676,78 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 106,90 điểm (-2,27%), xuống 4.604,64 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản hồi phục trở lại nhờ nhóm bluechip sau phiên giảm mạnh đầu tuần do ảnh hưởng bởi thông tin tiêu cực từ Hy Lạp, thì chứng khoán Trung Quốc đã nhanh chóng đảo chiều sau phiên hồi phục trước đó nhờ biện pháp của Chính phủ trong nỗ lực chặn đà bán tháo trên thị trường.
Đà sụt giảm của chứng khoán đại lục đã ảnh hưởng khiến chứng khoán Hồng Kông tiếp tục có phiên giảm khá mạnh trong ngày thứ Ba.
Kết thúc phiên 7/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 264,47 điểm (+1,32%), lên 20.376,59 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 260,97 điểm (-1,03%), xuống 24.975,31 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 48,79 điểm (-1,29%), xuống 3.727,12 điểm.
Bất chấp cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp, giá vàng vẫn giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Ba. Theo giới phân tích, vai trò trú ẩn an toàn của vàng đã mất đi và hiện kim loại quý này chỉ còn là một phương tiện đầu tư thuần túy. Trong khi đó, các tác động từ bên ngoài như đồng USD tăng cao, dầu giảm giá khiến giá vàng giảm mạnh trong phiên thứ Ba, xuống mức thấp nhất 3,5 tháng.
Kết thúc phiên 7/7, giá vàng giao ngay giảm 14,8 USD (-1,27%), xuống 1.155,00 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 20,6 USD/ounce (-1,76%), xuống 1.152,6 USD/ounce.
Dầu thô đã có những nỗ lực phục hồi sau phiên lao dốc hơn 8% trong phiên đầu tuần. Giá năng lượng này hồi phục hơn 1% trong phần lớn thời gian giao dịch của ngày thứ Ba, nhưng về cuối p hiên đã bất ngờ giảm trở lại.
Kết thúc phiên 7/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,20 USD/thùng (-0,38%), xuống 52,33 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,31 USD (+0,55%), lên 56,85 USD/thùng.