Phố Wall đã có 2 phiên tăng mạnh đầu tuần với những thông tin hỗ trợ như kết quả cuộc bầu cử vòng 1 Tổng thống Pháp với ưu thế nghiêng về ứng viên ôn hòa, ông Emmanuel Marcon, người ủng hộ đồng euro; kế hoạch cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump; lợi nhuận khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố...
Tuy nhiên, trong phiên thứ Tư, sau khi kế hoạch cắt giảm thuế của Tổng thống Trump được công bố, giới đầu tư lại tỏ ra thận trọng khiến phố Wall thoái lui từ mức cao và cả 3 chỉ số đều đóng cửa giảm điểm, dù mức giảm rất nhỏ.
Đúng như thông tin trước đó, chính quyền của Tổng thống Trump đưa ra kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 15%, giảm thuế gián tiếp cho doanh nghiệp, gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp tư nhân từ 39,6% xuống 15%.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, với tình trạng thâm hụt ngân sách như hiện nay, cùng với các yếu tố chính trị, kế hoạch này sẽ rất khó khăn để được thông qua thành luật.
Kết thúc phiên 26/4, chỉ số Dow Jones giảm 21,03 điểm (-0,10%), xuống 20.975,09 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,16 điểm (-0,05%), xuống 2.387,45 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,27 điểm (-0,00%), xuống 6.025,23 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục duy trì đà tăng, trong đó chứng khoán Pháp lên mức cao nhất 9 năm với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu hàng xa xỉ khi Kering (tập đoàn đang sở hữu thương hiệu Gucci và Yves Saint Laurent) báo cáo kết quả bán hàng mạnh mẽ.
Theo JP Morgan, đã có 25% số doanh nghiệp trong Stoxx 600 của châu Âu báo cáo kết quả kinh doanh quý I và phần lớn trong số đó đều có lợi nhuận vượt dự báo.
Kết thúc phiên 26/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 13,08 điểm (+0,18%), lên 7.288,72 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 5,76 điểm (+0,05%), lên 12.472,80 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 10,00 điểm (+0,19%), lên 5.287,88 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc phố Wall tăng mạnh trong phiên trước đó, nhất là việc Nasdaq lần đầu tiên vượt ngưỡng 6.000 điểm, cùng với đồng yên giảm đã giúp chứng khoán Nhật Bản duy trì chuỗi tăng hơn 1%, lên mức cao nhất 1 tháng.
Tương tự, chứng khoán Hồng Kông cũng duy trì đà tăng và lên mức cao nhất 1 tháng nhờ ảnh hưởng từ diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ phiên tối trước, cũng như sự phục hồi của chứng khoán Trung Quốc đại lục.
Chứng khoán Trung Quốc duy trì đà tăng nhẹ trong phiên thứ Tư khi có thông tin về chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ không chặt thêm.
Kết thúc phiên 26/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 210,1 điểm (+1,1%), lên 19.289,43 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 122,49 điểm (+0,50%), lên 24.578,43 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 6,28 điểm (+0,20%), lên 3.140,85 điểm.
Trong khi đó, sau những phiên giảm liên tiếp trước đó do sự khởi sắc của chứng khoán, giá vàng đã lấy lại đà tăng trong phiên thứ Tư khi đồng USD giảm mạnh so với các loại tiền tệ khác.
Kết thúc phiên 26/4, giá vàng giao ngay tăng 5 USD (+0,4%), lên 1.269,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 3 USD (-0,24%), xuống 1.264,2 USD/ounce.
Trên thị trường dầu thô, sau khi tăng tốt trong phiên thứ Ba, giá dầu thô đã nhanh chóng quay đầu giảm trở lại trong phiên sáng thứ Tư. Tuy nhiên, sau số liệu kho dự trữ dầu thô của Mỹ được Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố với mức sụt giảm tới 3,6 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với dự đoán của giới phần tích, giá dầu thô đã hồi phục trở lại.
Tuy nhiên, cũng theo EIA, các kho dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng lên, trong khi sản xuất và nhập khẩu của Mỹ cũng tăng lên trong tuần trước.
Giá dầu thô Mỹ tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Tư, trong khi giá dầu thô Brent khi lên ngưỡng kháng cự mạnh đã bị đẩy lùi và đóng cửa giảm.
Kết thúc phiên 26/4, giá dầu thô Mỹ tăng 0,06 USD/thùng (+0,12%), lên 49,62 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,28 USD (-0,54%), lên 51,82 USD/thùng.