Lo sợ về khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 12, phố Wall tiếp tục giảm điểm trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu hồi phục mạnh, đà giảm của phố Wall không quá mạnh.
Kết thúc phiên 30/10, chỉ số Dow Jones giảm 92,26 điểm (-0,52%), xuống 17.663,54 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 10,05 điểm (-0,48%), xuống 2.079,36 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 20,53 điểm (-0,4%), xuống 5.053,75 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,1%, chỉ số S&P 500 tăng 0,2% và chỉ số Nasdaq tăng 0,44%. Trong tháng 10, Dow Jones tăng 8,47%, S&P 500 tăng 8,3% và chỉ số Nasdaq tăng 9,38%.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, với sự trở lại của nhóm cổ phiếu năng lượng, chứng khoán châu Âu đã hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, dù không mạnh, thậm chí chứng khoán Anh vẫn đóng cửa trong sắc đỏ. Tuy nhiên, cũng giống phố Wall, nhờ kỳ vọng vào việc mở rộng gói kích thích kinh tế của ECB, chứng khoán châu Âu cũng có tháng tăng mạnh nhất trong 6 năm.
Kết thúc phiên 30/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 34,71 điểm (-0,54%), xuống 6.361,09 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 49,3 điểm (+0,46%), lên 10.850,14 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 11,84 điểm (+0,24%), lên 4.897,66 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 1,29%, trong khi chỉ số DAX tăng 0,52% và chỉ số CAC 40 giảm 0,53%. Trong tháng 10, chỉ số FTSE 100 tăng 4,94%, chỉ số DAX tăng 12,32% và chỉ số CAC 40 tăng 9,93%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, thông tin đáng chờ đợi nhất là cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Trước khi cuộc họp kết thúc, chứng khoán Nhật Bản gần như chỉ đi ngang sát tham chiếu. Kết thúc cuộc họp, BOJ đã quyết định duy trì chính sách tiền tệ và gói kích thích như hiện nay mà không có mở rộng với kỳ vọng kinh tế Nhật Bản có thể vượt qua những lực cản từ sự suy giảm từ kinh tế Trung Quốc. Dữ liệu sản xuất công nghiệp công bố hôm thứ Năm khiến nhà đầu tư kỳ vọng BOJ sẽ mở rộng gói kích thích kinh tế. Do đó, khi BOJ quyết định không mở rộng gói kích thích kinh tế, lực bán đã gia tăng, đẩy chỉ số Nikkei 225 giảm. Tuy nhiên, về cuối phiên, những nhà đầu tư ngắn hạn đã bán cổ phiếu những phút trước đã nhanh chóng quay trở lại mua vào, đẩy thị trường lên mức cao nhất 2 tháng.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục giảm điểm và chứng khoán Trung Quốc để mất điểm trong những phút cuối phiên dù trước đó đã nỗ lực đảo chiều tăng điểm
Kết thúc phiên 30/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 147,39 điểm (+0,78%), lên 19.083,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 179,90 điểm (-0,79%), xuống 22.640,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 4,75 điểm (-0,14%), xuống 3.382,56 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,37%, chỉ số Hang Seng giảm 2,21% và chỉ số Shanghai Composite giảm 0,88%. Trong tháng 10, chỉ số Nikkei 225 tăng 9,75%, chỉ số Hang Seng tăng 8,6% và chỉ số Shanghai Composite tăng 10,8%.
Giá vàng tiếp tục có phiên giảm thứ 3 liên tiếp trong phiên giao dịch cuối tuần khi nỗi lo về việc Fed tăng lãi suất vẫn chưa qua đối với nhà đầu tư.
Kết thúc phiên 30/10, giá vàng giao ngay giảm 3,8 USD (-0,22%), xuống 1.141,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 5,6 USD (-0,49%), xuống 1.141,7 USD/ounce.
Trong tuần, cả giá vàng giao ngay và giá vàng tương lai giao tháng 12 cùng giảm 1,92%. Tuy nhiên, trong tháng 10, giá vàng giao ngay tăng 2,37% và giá vàng tương lai tăng 2,38%.
Tuần này, trong số 272 người tham gia cuộc khảo sát trực tuyến của Kitco, có 154 người, tương đương 57% cho rằng vàng sẽ tăng giá trong tuần tới, có 90 người, tương đương 33% dự đoán giá vàng sẽ vẫn giảm và 28 người, chiếm 10% giữ quan điểm trung tính.
Còn theo cuộc khảo sát của các chuyên gia. Trong số 36 chuyên gia được hỏi, có 17 người trả lời, trong đó có 10, tương đương 59% nhận định giá vàng sẽ vẫn giảm trong tuần tới, 6 chuyên gia, chiếm 35% dự đoán giá vàng sẽ tămg và 1 người, chiếm 6% giữ quan điểm trung lập.
“Trước khi cuộc họp hôm thứ Tư, thị trường đã mong Fed lùi thời gian tăng lãi suất vào tháng 3/2016. Tuy nhiê, hiện thị trường lại hồi hộp chờ đợi cuộc họp vào ngày 16/12/2015 của Fed. Điều này có nghĩa là Fed sẽ làm giá vàng lung lay và áp lực lạm phát tăng cao hơn so với hầu hết nhà đầu tư nghĩ”, Henry To, Giám đốc đầu tư của CB Capital Partners cho biết.
“Trong tuần qua, nhân tố chính tác động lên giá vàng chính là Fed”, Andrew Chanin, Giám đốc điều hành của PureFunds đồng quan điểm và cho biết, việc Fed không thay đổi chính sách tiền tệ đã đóng vai trò quan trọng cho đà tăng của giá vàng, nên nếu Fed tăng lãi suất, nó như làn gió ngược với giá vàng.
“Hiện không chắc chắn giá vàng có thể cầm cự được tại các mức hỗ trợ hiện tại. Do thiếu thay đổi chính sách của Fed, nên sức mạnh đồng USD trong vài tháng qua đang có vẻ suy yếu và đây có thể là thông tin hỗ trợ cho giá kim loại quý”, Chanin lưu ý.
Tuần tới, nhà đầu tư vàng sẽ theo dõi hàng loạt dữ liệu kinh tế Mỹ, đặc biệt là báo cáo việc làm tháng 10 sẽ được công bố vào thứ Sáu. Đây là một trong những dữ liệu quan trọng tác động đến quyết định chính sách của Fed trong cuộc họp tháng 12 tới.
Giá dầu tăng mạnh trong phiên cuối tuần sau thông tin số lượng giàn khoan của Mỹ giảm tuần thứ 9 liên tiếp trong tuần trước.
Kết thúc phiên 30/10, giá dầu thô Mỹ tăng 0,53 USD/thùng (+1,14%), lên 46,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,76 USD (+1,53%), lên 49,56 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu thô Mỹ hồi phục lại 4,46% sau khi giảm tới 5,62% tuần trước, tương tự, giá dầu thô Brent cũng tăng 3,27% sau khi giảm 1,52% tuần trước. Trong tháng 10, giá dầu thô Mỹ tăng 3,33% và giá dầu thô Brent tăng 2,46%.