Ảnh AFP

Ảnh AFP

Phố Wall có mức tăng tốt nhất nhiều thập kỷ trong nửa đầu năm

(ĐTCK) Đặt kỳ vọng lớn với cuộc gặp Trum - Tập và khả năng Fed giảm lãi suất lại gia tăng trở lại, chứng khoán Âu, Mỹ tăng điểm trở lại trong phiên cuối tuần và có mức tăng trong nửa đầu năm tốt nhất nhiều thập kỷ.

Sau 2 phiên giảm nhẹ, phố Wall đã hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần khi tất cả các chỉ số ngành của S&P đều tăng điểm. Trong đó, hỗ trợ tốt nhất cho thị trường là nhóm cổ phiếu tài chính sau khi các ngân hàng của Mỹ vượt qua cuộc kiểm tra của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Ngoài ra, thông tin kinh tế mới công bố cho thấy, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ tăng vừa phải trong tháng 5 và giá tăng cao hơn, ngụ ý sự suy giảm tăng trưởng kinh tế và áp lực lạm phát vừa phải, tạo cho Fed các lý do giảm lãi suất có thể trong tháng 7, cũng giúp hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, kỳ vọng Mỹ - Trung sẽ tạm ngừng chiến trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 diễn ra tại Osaka Nhật Bản cũng giúp giải tỏa tâm lý nhà đầu tư trong phiên cuối tuần.

Tuy nhiên, đà tăng của phố Wall bị hãm lại đôi chút do cổ phiếu Apple giảm 0,9% sau khi người đứng đầu mảng thiết kế Jony Ive tuyên bố sẽ ra đi vào cuối năm nay.

Kết thúc phiên 28/6, chỉ số Dow Jones tăng 73,38 điểm (+0,28%), lên 26.599,96 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 16,84 điểm (+0,58%), lên 2.941,76 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 38,49 điểm (+0,48%), lên 8.006,24 điểm.

Dù hồi phục cuối tuần, nhưng phố Wall vẫn không tránh khỏi tuần điều chỉnh nhẹ sau 3 tuần tăng liên tiếp. Tuy nhiên, điều đó không khiến phố Wall có tháng hồi phục trở lại sau tháng giảm mạnh trước đó, qua đó duy trì quý tăng thứ 2 liên tiếp và đặc biệt là có mức tăng trong 6 tháng đầu năm mạnh nhất nhiều thập kỷ.

Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,45%, chỉ số S&P 500 giảm 0,29% và chỉ số Nasdaq giảm 0,32%. Trong tháng 6, chỉ số Dow Jones tăng 7,19%, chỉ số S&P 500 tăng 6,89% và chỉ số Nasdaq tăng 7,42%, lấy lại hết những gì đã mất tháng trước. Trong quý II, chỉ số Dow Jones tăng 2,59%, chỉ số S&P 500 tăng 3,79% và chỉ số Nasdaq tăng 3,58%. Trong 6 tháng, chỉ số Dow Jones tăng 14,03%, mức tăng mạnh nhất kể từ 1938, chỉ số S&P 500 tăng 17,35%, mức tăng tốt nhất kể từ năm 1955 và chỉ số Nasdaq tăng 20,66%.

Tương tự, trên thị trường chứng khoán châu Âu, thông tin các ngân hàng vượt qua cuộc kiểm tra của Fed giúp cổ phiếu tài chính trên thị trường này tăng mạnh. Ngoài ra, kỳ vọng vào cuộc gặp Trump - Tập cũng giúp chứng khoán châu Âu có phiên tăng tốt cuối tuần, trong đó chứng khoán Đức tăng mạnh nhất.

Kết thúc phiên 28/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 23,30 điểm (+0,31%), lên 7.425,63 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 127,77 điểm (+1,04%), lên 12.398,80 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 45,36 điểm (+0,83%), lên 5.538,97 điểm.

Phiên tăng mạnh cuối tuần giúp bù đắp lại hết những gì đã mất trong 2 phiên trước đó, giúp chứng khoán châu Âu có tuần tăng thứ 4 liên tiếp và tháng tăng, quý tăng và mức tăng trong 6 tháng tốt nhất 2 thập kỷ.

Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,24%, chỉ số DAX tăng 0,48% và chỉ số CAC40 tăng 0,19%. Trong tháng 6, chỉ số FTSE 100 tăng 3,69%, chỉ số DAX tăng 5,73% và chỉ số CAC40 tăng 6,36%, lấy lại hết những gì đã mất trong tháng 5. Trong quý II, chỉ số FTSE 100 tăng 2,01%, chỉ số DAX tăng 7,57% và chỉ số CAC40 tăng 3,52% - quý tăng thứ 2 liên tiếp. Trong 6 tháng, chỉ số FTSE 100 tăng 10,37%, chỉ số DAX tăng 17,42% và chỉ số CAC40 tăng 17,09%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường trong khu vực đều giảm nhẹ trong phiên cuối tuần khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi Hội nghị G20 vừa được khai mạc, đặc biệt là cuộc gặp giữa ông Trum và ông Tập Cận Bình.

Kết thúc phiên 28/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 62,25 điểm (-0,29%), xuống 21.275,92 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 17,91 điểm (-0,60%), xuống 2.978,88 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 78,80 điểm (-0,28%), xuống 28.542,62 điểm.

Dù giảm trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông cũng có được tuần điểm thứ 4 liên tiếp, trong khi chứng khoán Trung Quốc điều chỉnh nhẹ sau 2 tuần tăng trước đó.

Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,08%, chỉ số Hang Seng tăng 0,24%, trong khi chỉ số Shanghai giảm 0,77%. Tuy nhiên, trong tháng 6, các chỉ số đều đồng loạt tăng trở lại sau tháng giảm trước đó. Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 tăng 3,69%, chỉ số Hang Seng tăng 5,73% và chỉ số Shanghai tăng 6,36%. Trong quý II, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,33%, quý tăng thứ 2 liên tiếp, trong khi chỉ số Hang Seng lại giảm 1,75% và chỉ số Shanghai giảm 3,62% do mức giảm của tháng 5 quá mạnh. Dù vậy, do mức tăng trong quý I rất lớn, nên các chỉ số này đều có mức tăng trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, chỉ số Nikkei 225 tăng 6,30%, chỉ số Hang Seng tăng 10,43% và chỉ số Shanghai tăng 19,45%.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này quay đầu điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần trước cuộc họp của G20.

Kết thúc phiên 28/6, giá vàng giao ngay giảm 0,3 USD (-0,02%), xuống 1.408,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 1,7 USD (+0,12%), lên 1.413,7 USD/ounce.

Chốt tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,71%, tuần tăng thứ 5 liên tiếp, giá vàng tương lai cũng tăng 0,76%, tuần tăng thứ 2 liên tiếp.

Trong tháng 6, giá vàng giao ngay tăng 7,97%, giá vàng tương lai tăng 7,83%, tháng tăng thứ 2 liên tiếp. Trong quý II, giá vàng giao ngay tăng 9,05%, giá vàng tương lai tăng 9,52%, quý tăng thứ 3 liên tiếp. Trong 6 tháng đầu năm, giá vàng giao ngay tăng 9,86% và giá vàng tương lai tăng 10,04%.

Dù hạ nhiệt trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng giới đầu tư và chuyên gia vẫn đặc cược vào khả năng giá kim loại quý này sẽ tiếp tục có tuần tăng tiếp theo, nhưng tỷ lệ thấp hơn tuần trước.

Cụ thể, trong 17 chuyên gia trả lời, có 10 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 59%, thấp hơn so với mức 67% của tuần trước. Có 1 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 6%, thấp hơn con số 17% của tuần trước và có 6 người dự báo đi ngang, chiếm 39%.

Tương tự, trong 591 người tham gia trả lời khảo sát trực tuyến, có 320 người dự báo giá sẽ tăng, chiếm 54%, thấp hơn so với con số 66% của tuần trước, 162 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 27%, cao hơn so với mức 21% của tuần trước và 109 người dự báo giá đi ngang, chiếm 18%.

Dù nhận thông tin tích cực về việc OPEC và Nga kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng, nhưng thận trọng trước cuộc gặp mặt Mỹ - Trung ở G20 khiến giá dầu thô giảm trở lại trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 28/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,96 USD (-1,64%), xuống 58,47 USD/thùng. Giá dầu thô Brent đứng tại mức lên 66,55 USD/thùng.

Giá dầu thô có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với giá dầu thô WTI tăng 1,81%, giá dầu thô Brent tăng 2,07%. Trong tháng 6, giá dầu thô WTI tăng 9,29%, giá dầu thô Brent tăng 3,19%. Tuy nhiên, trong quý II, giá dầu thô WTI giảm 2,78%, giá dầu thô Brent giảm 2,69% do mức giảm mạnh trong tháng 5. Du vậy, do quý I tăng rất mạnh, nên giá dầu thô vẫn có mức tăng tốt trong nửa đầu năm. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, giá dầu thô WTI tăng 28,76%, giá dầu thô Brent tăng 27,30%.

Tin bài liên quan