Chứng khoán Mỹ có phiên giao dịch lình xình trong ngày thứ Năm và các chỉ số đóng cửa gần như không thay đổi. Với những phát biểu gần đây của một số quan chức Fed về khả năng tăng lãi suất trong những tháng tới, sớm hơn kỳ vọng của các nhà đầu tư khiến phố Wall có những phiên giảm liên tiếp và với phiên lình xình hôm thứ Năm, chứng khoán Mỹ đã chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp (thứ Sáu, thị trường nghỉ ngày lễ Phục sinh).
Ngoài ra, vụ khủng bố tại Bỉ hôm thứ Ba cũng khiến giới đầu tư toàn cầu, trong đó có các nhà đầu tư tại phố Wall thận trọng.
Kết thúc phiên 24/3, chỉ số Dow Jones tăng 13,14 điểm (+0,08%), lên 17.515,73 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,77 điểm (-0,04%), xuống 2.035,94 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 4,64 điểm (+0,10%), lên 4.773,50 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,49%, chỉ số S&P 500 giảm 0,67% và chỉ số Nasdaq giảm 0,46%.
Trong khi chứng khoán Mỹ lình xình và kết thúc phiên gần như không đổi, thì chứng khoán châu Âu có phiên giảm thứ 4 liên tiếp trong tuần do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu năng lượng, hàng hóa và trong phiên thứ Năm có thêm sự gia nhập của nhóm cổ phiếu bán lẻ. Thị trường chứng khoán châu Âu cũng nghỉ lễ Phục sinh vào thứ Sáu.
Kết thúc phiên 24/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 92,63 điểm (-1,49%), xuống 6.106,48 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 171,58 điểm (-1,71%), xuống 9.851,35 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 94,3 điểm (-2,13%), xuống 4.329,68 điểm.
Cũng giống như phố Wall, chuỗi giảm điểm liên tiếp tuần qua đã khiến chứng khoán châu Âu kết thúc chuỗi tuần tăng điểm ấn tượng của mình. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 1,34%, chỉ số DAX giảm 1% và chỉ số CAC 40 giảm 2,98%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm thứ 5 liên tiếp do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu hàng hóa, nguyên vật liệu cho ngành công nghiệp trước bối cảnh kinh tế gặp khó khăn. Ngoài ra, giới đầu tư cũng thận trọng trước khi kết thúc năm tài chính của các doanh nghiệp.
Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm mạnh trong phiên thứ Năm do ảnh hưởng của giá dầu giảm và lực chốt lời trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh dài ngày cuối tuần. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng giảm mạnh trong phiên thứ Năm đánh mất mốc 3.000 điểm vừa đạt được trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 24/3, chỉ số Nikkei 225 giảm 108,65 điểm (-0,64%), xuống 16.892,33 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 269,62 điểm (-1,31%), xuống 20.345,61 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 48,99 điểm (-1,63%), xuống 2.960,97 điểm.
Trên thị trường vàng, dù nỗ lực phục hồi, nhưng với những phát biểu liên tiếp của một số quan chức Fed về khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới, làm đồng USD tăng mạnh đã khiến vàng tiếp tục giảm giá trong phiên thứ Năm, xuống mức thấp nhất 4 tuần.
Kết thúc phiên 24/3, giá vàng giao ngay giảm 3,4 USD (-0,28%), xuống 1.216,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 giảm 7,3 USD (-0,6%), xuống 1.216,7 USD/ounce.
Trong khi đó, giới chuyên gia và các môi giới càng có cái nhìn tiêu cực hơn về xu hướng của giá vàng.
Cụ thể, trong cuộc khảo sát 35 chuyên gia, có 19 người trả lời, trong đó chỉ có 2 người, tương đương 11% là còn có cái nhìn lạc quan về xu hướng của giá vàng, trong khi có tới 12 người, chiếm 63% dự đoán giá kim loại quý sẽ giảm và 5 nhà phân tích, tương đương 26% giữ quan điểm trung lập.
Trên thị trường dầu thô, thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng cao hơn gấp 3 lần dự báo trước được đưa ra trước đó khiến giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh. Giá dầu thô Brent có thời điểm đã rơi xuống dưới mốc 40 USD/thùng. Tuy nhiên, vào cuối phiên, đà giảm bị chặn lại và giá dầu thô dần hồi phục, hạn chết tối đa thiệt hại sau thông tin số lượng giàn khoan của Mỹ giảm trong tuần trước.
Dù vậy, theo giới phân tích, lực bán tháo dầu thô có thể sẽ xảy ra trong tuần tới nếu kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần lại thiết lập mức kỷ lục mới.
Kết thúc phiên 24/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,33 USD (-0,84%), xuống 39,46 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,03 USD (-0,07%), xuống 40,44 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ gần như không đổi khi chỉ tăng nhẹ 0,05%, tuần tăng thứ 6 liên tiếp, trong khi giá dầu thô Brent lại giảm 1,84%.