Hội nghị Đầu tư 2017 với chủ đề “Đột phá Tư duy Kinh doanh” do tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức tại TP.HCM sáng 21/11 đã giới thiệu những mô hình kinh doanh mới đang tạo thành xu hướng trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 diễn ra trên khắp các mặt của đời sống xã hội.
Các diễn giả cũng đồng thời là lãnh đạo hàng đầu của các doanh nghiệp tên tuổi như Vinamilk, Vietjet, FPT, Momo, TPBank, Lazada, Alibaba, Publicis… đã chia sẻ câu chuyện về những “đột phá” của lãnh đạo cũng như bản thân các doanh nghiệp trong quá trình hình thành và phát triển của mình.
Ông Nguyễn Thành Nam, thành viên sáng lập tập đoàn FPT và trường đại học trực tuyến Funix thuộc đại học FPT mở đầu câu chuyện với những bài học đầu tiên của mình và các đồng sự trong quá trình xây dựng FPT.
Những ngày đầu ở FPT, nhóm sáng lập đã đi nhiều nơi để học hỏi nhưng chỉ tìm được mô hình đáng học học khi tới Bangalore Ấn Độ, nơi người ta xây dựng những công ty công nghệ cao tại một đất nước đang phát triển, bên trong công ty là những văn phòng hiện đại như ở Thung lũng Silicon Mỹ, bên ngoài là một thế giới khác với những người nghèo khó, hạ tầng kém.
Bài học lớn nhất mà ông Nam học được từ một doanh nhân Ấn Độ, người đã đưa ra rất nhiều lời khuyên có ích cho FPT là tài sản lớn nhất của công ty không phải công nghệ mà là con người. FPT là một doanh nghiệp thành công khi quản lý con người làm công nghệ chứ không phải công nghệ. Muốn tạo ra đột phá thì phải xuất phát từ chính những “tài sản” quan trọng nhất đó.
Ông Nam chia sẻ: “Đột phá thì rất dễ lạc đường”, nhấn mạnh điều quan trọng là khi lạc đường thì phải hỏi ai, hỏi đúng. Tại ngôi trường trực tuyến Funix của ông Nam, không có giảng đường, trọng tâm là dạy sinh viên tự học hiệu quả thông qua việc đặt câu hỏi, ông Nam cho rằng khi không biết hỏi thì chắc chắn cũng không trả lời được. Ở Funix, trường cam kết mỗi câu hỏi của sinh viên đặt ra sẽ có ít nhất 4 người hướng dẫn – mentor trả lời và khuyến khích ai không biết thì thẳng thắn trả lời không biết.
Với ông Đỗ Anh Tú, Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng TPBank, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Diana Unicharm thì suy nghĩ đột phá nghĩa là “nghĩ ngược” với đám đông. Theo ông Tú, đột phá khó đến từ những bản chất cốt lõi của kinh doanh, nhưng đột phá có thể tới từ những phần nhỏ trong những chi tiết thành phần của những bản chất cốt lõi đó.
Ông Đỗ Anh Tú, Phó chủ tịch HĐQT TPBank, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Diana Unicharm và bà Hoàng Thị Mai Hương, Chủ tịch Tập đoàn Publicis.
Trong cuộc đời mình, ông Tú đúc kết ra hai đột phá: thứ nhất là việc quyết định từ nước ngoài về Việt Nam để thành lập nên Diana và thứ hai là việc bán công ty và đổ tiền vào ngân hàng TPBank.
Xây dựng hình ảnh cho Diana, ông Tú cùng đội ngũ nhân viên của mình đã đi ngược với đám đông khi đem đến tinh thần tự hào khi là phụ nữ, thay vì kêu khổ, kêu vất vả về những thiên chức riêng có của người phụ nữ như trước giờ các sản phẩm cạnh tranh vẫn làm. Thông điệp “là con gái thật tuyệt” mà Diana xây dựng rất thành công cho tới tận thời điểm này.
Sau khi bán Diana cho công ty Nhật, với cả trăm triệu đô thu về, ông Tú quyết định đầu tư vào ngân hàng. Tại TPBank, ông Tú tiếp tục “nghĩ ngược” khi các ngân hàng chạy đua mở chi nhánh thì TPBank nghĩ làm sao để giảm số chi nhánh, tiết kiệm chi phí. Livebank chính là sản phẩm ra đời để giải quyết bài toán này của ngân hàng.
Ông Tú tự hào chia sẻ phải ba tháng sau khi Livebank của TPBank đi vào hoạt động thì mô hình này mới được Bank of America áp dụng lần đầu tiên tại Mỹ.
Một trong những mô hình kinh doanh “đột phá” thành công nhất tại Việt Nam là “hãng hàng không bikini” Vietjet. Chia sẻ tại hội thảo, Phó Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Thúy Bình cho biết, 6 năm qua Vietjet vẫn đang thực hiện những giấc mơ của mình.
Sự khác biệt, đột phá của Vietjet chính là bởi cách nhìn nhận thị trường, theo bà Bình, Vietjet nhìn nhận thị trường giống như khi nhìn vào một cốc nước, Vietjet không nhìn vào phần cốc nước đã có bao nhiêu mà nhìn vào phần cốc nước còn có thể rót thêm bao nhiêu nữa. Với 100 triệu dân, mới chỉ 1% người dân Việt Nam sử dụng phương tiện hàng không thì còn 99% cơ hội là của Vietjet.
Bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet.
Khách hàng mà Vietjet hướng tới là những người chưa từng đi máy bay. Sự đột phá trong tư duy là coi đi lại bằng máy bay giản dị như đi xe bus chứ không xa xỉ như đi xe limousine.
Điều Vietjet mong muốn không chỉ là phục vụ cho các hành khánh mà hơn thế là phục vụ cho các khách hàng, hành khách chỉ là một bộ phận của khách hàng mà thôi.
Theo bà Bình, Vietjet đang đi theo sự dịch chuyển của thị trường, mong muốn trở thành consumer airline: một hãng hàng không cung cấp tất cả những gì mà khách hàng có nhu cầu từ bộ trang phục bikini tới các dịch vụ du lịch, trả góp mua vé máy bay, bảo hiểm, mua hàng theo phương thức thương mại điện tử, các hoạt động logistic...
Các diễn giả nhận hoa từ Ban tổ chức.
Vietjet sẽ tạo ra xu hướng, cùng với các đối tác của mình tạo ra một hệ sinh thái dành riêng cho khách hàng, giúp khách hàng hưởng lợi nhiều hơn. Còn doanh nghiệp thì phát triển theo cấp số nhân. Vietjet cũng đi đầu trong ngành hàng không Việt Nam khi đưa các ứng dụng công nghệ vào phục vụ khách hàng.
Đột phá không tới từ công nghệ, cho dù không thể không có công nghệ hỗ trợ, đột phá tới từ cách mình nhìn nhận người tiêu dùng, dịch vụ và thị trường, bà Hoàng Thị Mai Hương, Chủ tịch tập đoàn Publicis rút ra bài học từ những chia sẻ tâm huyết của các diễn giả trong chương trình.