Tại Toạ đàm "Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và Hướng tới" do Báo Đầu tư phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức sáng 26/9, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN thông tin, bên cạnh mục tiêu kinh tế, EVN được Đảng, Chính phủ và Nhà nước giao nhiệm vụ về an sinh xã hội.
Do đó, EVN phải cung ứng đủ điện cho đời sống nhân dân và cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cả thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo...
Nêu dẫn chứng, hiện nay tại khu vực vùng sâu, vùng xa, EVN chỉ bán điện với mức giá bán lẻ từ 1.900 đồng/KWh, mặc dù chi phí đầu tư tốn kém khiến giá thành lên tới 7.000 đồng/KWh, ông Nam nói rằng đó chỉ là một ví dụ về khó khăn mà tập đoàn này đang phải đối mặt.
Phó tổng giám đốc EVN còn cho biết thêm, năm 2022 là một năm rất khó khăn đối với Tập đoàn do những sự bất ổn địa chính trị ở trên thế giới, ví dụ xung đột Nga - Ukraine, khiến các mặt hàng đầu vào phục vụ cho sản xuất điện như than, khí, dầu... tăng cao.
"Có lúc giá than đã tăng gấp 5 lần, lên đến 400 USD/tấn, giá dầu cũng tăng gấp đôi. Điều này khiến giá vốn sản xuất điện tăng lên, đẩy giá điện mua vào cũng tăng theo, gây ra những khó khăn tài chính cho EVN", ông Nam trần tình và cho biết, sang năm 2023, giá các mặt hàng đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao.
"Mặc dù giá điện cũng đã được tăng 3% sau 4 năm nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần nào khó khăn", Phó tổng giám đốc EVN nói.
Chia sẻ câu chuyện của EVN, TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, EVN mua điện đầu vào theo giá thị trường, nhưng bán ra theo giá mà Chính phủ cùng các cơ quan ban ngành quy định.
TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Ảnh: Chí Cường) |
Theo ông Kiên, sau 4 năm tập đoàn này mới được tăng 3% giá điện.
"Nếu cộng lạm phát của 4 năm vừa rồi thì việc tăng 3% như thế có đủ để bù lạm phát không?", ông Kiên đặt câu hỏi.
Theo vị chuyên gia, ngoài lạm phát, EVN còn phải đối mặt với những rủi ro như chênh lệch tỷ giá, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng.
Đơn cử, Nhà nước đi vay nước ngoài để EVN có tiền xây dựng hạ tầng cung cấp điện lúc giá 1 USD chỉ khoảng 16.000 đồng, nhưng bây giờ đã lên hơn 24.000 đồng. "Khoản chênh lệch tỷ giá đó EVN phải chịu", ông Kiên nói.
Ngoài ra, theo chia sẻ của vị chuyên gia, trong lúc đại dịch, EVN đã trợ giá điện cho hộ dân với tổng chi phí hơn 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các đơn vị bán điện cho EVN vẫn giữ nguyên giá bán và chiết khấu như cũ, khiến EVN phải chịu.
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 với khoản lỗ sau thuế là 29.107 tỷ đồng; tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt khoản lỗ hơn 20.000 tỷ đồng của cả năm 2022. Lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là gần 30.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân là EVN đang kinh doanh dưới giá vốn. Theo đó, nửa đầu năm nay, EVN ghi nhận doanh thu 229.880 tỷ đồng, tăng gần 4% so với thực hiện năm 2021. Trong đó, doanh thu bán điện chiếm 99,6%, tăng 94% so với năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng của doanh nghiệp lại vượt doanh thu, với mức 245.068 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2023, EVN lỗ lũy kế 43.845 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm gần 13,7% còn 194.456 tỷ đồng. Nợ vay tài chính ở mức 306.168 tỷ đồng, trong đó 86% là nợ dài hạn.
Tọa đàm "Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới" do Báo Đầu tư phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức sáng 26/9.
Sự kiện có sự tham gia của đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo các các tập đoàn, tổng công ty nhà nước: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone), Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).