Bộ Tài chính cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 9/2016 tăng 3,14% so với tháng 12/2015 và tăng 3,34% so với tháng 9/2015. CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2016 tăng 2,07% so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và xăng dầu trong tháng 10 này, CPI sẽ tiếp tục tăng lên và dư địa cho 2 tháng cuối năm 2016 là còn khoảng trên 1%.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với các thành viên Ban chỉ đạo điều hành giá
Khẳng định Chính phủ quyết tâm và có khả năng kiểm soát lạm phát ở mức dưới 5%, tuy nhiên Phó Thủ tướng nhận định nhiệm vụ của Chính phủ, các địa phương còn khá nặng nề với những yếu tố như nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp lễ, Tết; diễn biến thất thường của thời tiết tác động tới giá lương thực, thực phẩm; tháng 11/2016, OPEC dự kiến sẽ đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu. Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công và độ trễ của chính sách tín dụng cũng ảnh hưởng tới lạm phát.
Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành giữ ổn định mức lạm phát cơ bản dưới 2% như hiện nay; tiếp tục chỉ đạo bằng mọi biện pháp giảm lãi suất cho vay.
Bộ Công Thương giữ không tăng giá điện trong năm nay; theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn để không tạo ra lạm phát kỳ vọng. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính tích cực hướng dẫn trong tháng 10/2016 giảm phí BOT ít nhất ở 10 trạm thu phí.
Các bộ, ngành quản lý lĩnh vực theo dõi sát diễn biến cung cầu những mặt hàng thiết yếu như muối, sữa trẻ em dưới 6 tháng tuổi... Các Bộ liên quan tới sản xuất chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuẩn bị ngay từ bây giờ việc cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường dịp Tết.
Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội tích cực thực hiện việc đấu thầu thuốc để kéo giá thuốc xuống. Đối với giá dịch vụ y tế sẽ không tăng giá dịch vụ y tế trong năm nay với người không có bảo hiểm y tế nhưng chuẩn bị kịch bản tăng cho năm 2017 về thời điểm, lộ trình. Dư địa tăng giá dịch vụ y tế trong năm nay không còn nhiều, chỉ còn 1 đợt nên Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ phải tính toán kỹ, nếu bất lợi thì giãn bớt số lượng địa phương cần tăng sang năm 2017.
Đối với cơ chế quản lý các loại phí chuyển sang cơ chế giá từ ngày 1/1/2017, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu với loại phí chuyển sang giá mà Nhà nước không định giá thì các địa phương tính đủ, tính đúng với chi phí hợp lý. Với khoản phí mà thuộc thẩm quyền nhà nước định giá thì phải kiểm soát hết sức cẩn trọng.